Mẹ tôi là một người phụ nữ đẹp nhưng có lẽ là chuyện của trước đây, còn bây giờ do trải qua bao nhiều vất vả nên nhan sắc cũng tàn phai theo năm tháng. Tôi thương Mẹ tôi lắm nhưng tôi lại làm cho Mẹ buồn rất nhiều.
Mẹ tôi là người mẹ tuyệt vời, có vất vả cũng không than nửa lời. Nhiều khi thấy Mẹ, tôi bắt đầu suy nghĩ rằng tôi đã làm được gì cho Mẹ hay chưa? Trong khi người đã vì tôi mà hi sinh rất nhiều. Khi tôi bệnh tật mẹ là người đầu tiên hỏi han sức khỏe tôi, thức đêm chăm sóc mà không nói nửa lời. Tôi lại còn la cà hay đi chơi không lo học hành và đã lắm phen làm mẹ phải xin lỗi người ta. Giờ nghĩ lại tôi mới thấy mình thật bất hiếu vô cùng với Mẹ. Mẹ ơi con xin lỗi Mẹ thật nhiều!
Con xin lỗi Mẹ vì đã không hiểu rằng tấm lòng Mẹ đã vì con mà chịu buồn tủi nhiều. Mẹ vất vả đau đớn nhưng không khi nào Mẹ nói ra. Mọi ngày, Mẹ vừa lo cho công việc của mình lại vừa lo quán xuyến công việc chợ búa cơm nước gia đình. Mẹ chẳng mảy may quan tâm đến bản thân mình.
Mỗi buổi sáng Mẹ đều chuẩn bị bữa sáng cho tôi, bữa sáng của Mẹ thật ngon và ấm áp làm sao! Được ăn những món Mẹ nấu là diễm phúc cả đời với con mà dù đi đâu đi chăng nữa thì cũng không bằng cơm của Mẹ. Mẹ ơi giờ con mới hối hận rằng con đã thật vô tâm trước tình yêu thương của Mẹ. Con xin lỗi Mẹ, Mẹ ơi!
Đối với những người khác thì tôi không biết, nhưng trong lòng tôi, Mẹ là người vĩ đại nhất. Con cần có Mẹ! Con tha thiết và mong muốn được Mẹ ở bên cạnh luôn luôn, hôm nay, ngày mai, và cả những ngày tháng sau này của cuộc đời. Giờ con chưa dám nghĩ đến một ngày không có Mẹ bên cạnh thì sẽ ra sao! Con thật không dám nghĩ đến Mẹ ơi!
Mẹ ơi, con yêu Mẹ!
“Con đã ăn cơm chưa? Con đã học bài chưa? Cố gắng lên nghen con! Phải học cho tốt thì mới thay đổi được tương lai.”… Đây dần dà trở thành sự quen thuộc đối với tôi, Mẹ tôi đã luôn nhắc nhở tôi như vậy. Trước đây, có lúc tôi đã xem đó thật là phiền phức, nhưng bây giờ tất thảy những lời ấy đã trở nên những lời mà tôi ao ước được nghe, dù có nói cả ngày cũng không sao cả.
Tôi đã không nhận ra được rằng tuổi thơ tôi thật hạnh phúc biết bao nhiêu. Tôi đã có tình yêu thương của Cha, có tình yêu thương của Mẹ, có các anh chị em vui vẻ cùng nhau. Còn có đòi hỏi nào hơn nữa đây! Thế nhưng đã không ít lần tôi làm cho Cha Mẹ phải đau lòng vì sự nông cạn và chậm hiểu của tôi. Cha tôi đã phải gánh vác hết thảy những nặng nhọc của cuộc sống này vì chúng tôi rồi. Vậy mà tôi chưa từng nghĩ cho Cha bao giờ, đến nỗi tôi đã không hiểu về Cha được bao nhiêu cho đến tận khi cha tôi rời khỏi chúng tôi mà ra đi rồi. Tôi đã luôn biện minh cho hành động và việc làm sai trái của mình mỗi khi Cha dạy dỗ. Tôi luôn cãi lại lời của Cha bất kể Cha tôi đã dạy bảo tôi những điều thật quý giá biết bao. Ôi tấm lòng Cha đã đau đớn biết bao nhiêu!
Tôi đã thật có lỗi với Mẹ vô cùng, cả cuộc đời Mẹ hi sinh và chăm sóc cho từng mỗi một anh chị em chúng tôi thật không nhẹ nhàng hay dễ dàng chút nào. Ấy vậy mà, điều gì đã diễn ra trong tấm lòng của tôi? Mỗi khi Mẹ nhắc nhở điều gì trái với ý mình là tôi ngay lập tức đã biểu hiện không vui. Suy nghĩ của tôi lúc đó thật nông cạn làm sao! Tôi là con, lẽ ra tôi phải im lặng, tôi phải biết rằng Mẹ nói lời gì cũng là để tôi được hạnh phúc và tốt đẹp hơn mà thôi. Ôi, sao lúc đó tôi đã không chịu hiểu vậy!
Để rồi đã làm cho biết bao những ký ức sai trái đã ghi dấu trong cuộc đời vốn bé nhỏ của tôi. Làm sao có thể bù đắp lại những khổ nhọc của Cha? Làm sao có thể bù đắp lại những giọt nước mắt của Mẹ? Cha Mẹ ơi, con nhung nhớ thật nhiều mỗi lời dặn dò của Cha Mẹ đã cho con. Giờ đây con xin lắng nghe, ghi nhớ và làm theo lời của Cha Mẹ vì đây chính là lời của bậc giáo sư vĩ đại nhất trong tấm lòng của anh chị em chúng con.
Nếu có một điều ước
Con sẽ ước Mẹ mãi bên con!
Mẹ là người phụ nữ mà tôi ngưỡng mộ nhất. Hiện Mẹ đang là giáo viên môn Văn. Có thể đó là cái duyên mà nghề chọn Mẹ.
Tôi nghe kể lại rằng thời ấy nhà ngoại nghèo lắm và Mẹ là chị cả. Còn năm người em nữa mà ngoại phải lo lắng nên trong nhà không có đủ tiền để Mẹ có thể lựa chọn. Mẹ phải cố gắng học và chọn trường sư phạm, là trường được nhà nước hỗ trợ chi phí học tập, để không gây thêm gánh nặng về học phí cho bà ngoại.
Dù mẹ thích dạy môn Toán là khối A (phải thi ba môn Toán, Vật Lý và Hóa ), nhưng lúc đó môn hóa là môn Mẹ lo ngại nhiều nhất nên Mẹ chọn Văn.Vì Mẹ sợ nếu thi không đủ điểm môn Hóa thì lại tạo gánh nặng thêm cho Ngoại. Cuối cùng Mẹ cũng đã hoàn thành mong ước của mình và đã trở thành giáo viên dạy văn, rồi gặp Ba và cũng lập gia đình.
Ba Tôi làm nông nên cũng không kiếm được nhiều tiền nên đa phần mọi chi tiêu trong gia đình là mẹ lo hết. Hàng tháng, với mức tiền lương của giáo viên ấy, Mẹ đã dùng để chi tiêu cho biết bao nhiêu việc, lo lắng bao nhiêu chuyện đến đổi Mẹ gần như không có thời gian để chăm sóc cho bản thân mình. Nên những năm Mẹ nuôi hai chị em tôi ăn học thật sự là khoảng thời gian vừa là niềm vui cũng vừa khó khăn và nhiều đau đớn của Mẹ. Thế nhưng, đối với tấm lòng của con trẻ thì có bao giờ hiểu thấu được tấm lòng, sự hy sinh và nỗi buồn đau không nói nên lời của Người từ khi sinh ra tôi đã gọi là Mẹ.
Tôi chỉ nhìn thấy sự nghiêm khắc từ Mẹ vì khi còn lúc cắp sách đến trường Mẹ khó lắm. Suốt ngày chỉ bắt tôi học và không cho tôi đi chơi hay là sử dụng điện thoại, cả ngày chỉ bắt đi học, rồi học thêm, ngay cả việc xin đi chơi tôi cũng không dám mở miệng xin phép vì sợ Mẹ la rày.
Ngày đi thi đại học, để tiện cho tôi, mẹ thuê căn trọ gần trường tôi thi, trong giờ thi mẹ ngồi ngoài hồi hộp chờ đợi, lúc thi ra thì luôn có hộp cơm cùng chai nước chờ sẵn để đưa tôi trước khi hỏi câu “Con làm bài được không?”. Và đó chính là động lực để tôi vượt qua trong kì thi đại học.
Rồi, có một chuyện mà tôi đã làm mẹ rất buồn khi còn đi học đã làm thay đổi hình ảnh của Mẹ trong tấm lòng của tôi và làm cho tôi nhớ mãi . Đó là năm lớp 9, tôi học cùng trường với trường Mẹ dạy. Hầu hết tất cả các giáo viên đều theo dõi tình hình của tôi và đương nhiên là để nói lại với Mẹ. Nhưng có một cô phụ trách môn Hóa rất dễ thương trong mắt của tôi, là vì hầu như cô bao che cho những lỗi sai của tôi mà không nói với mẹ vì sợ tôi bị la. Mỗi lần đi học thêm môn của Cô, Mẹ thường là người sẽ chở tôi đi, không bỏ lỡ ngày nào mặc dù chỗ học khá xa và cách nhà hơn 10km.
Tôi nhớ hôm đó trời mưa rất lớn, nhưng Mẹ vẫn mặc áo mưa đưa tôi đi học. Lúc đến nơi, vào lớp học thêm thì mấy đứa bạn rủ tôi cúp học đi chơi. Không do dự, tôi đã đồng ý rồi cả đám đội mưa đi. Để mẹ không phát hiện, tôi chỉ cần canh đúng giờ về chỗ học là được. Nhưng quần sáo thì bị lấm lem bởi nước mưa. Mẹ chỉ hỏi “Sao đồ ướt?”. Rồi tôi nói dối là “ Bị đổ nước ạ”. Lúc ấy, Mẹ cũng chẳng nói gì.
Rồi, một tuần sau đó, vì Mẹ bận việc nên tôi được chạy xe đạp đi học thêm. Tụi bạn lại tiếp tục rủ cúp học đi chơi và tôi vẫn không từ chối. Hôm ấy, Cô dạy Hóa cũng báo cho Mẹ, nhưng không biết tại sao mẹ nghi ngờ và gọi điện hỏi Cô nên cuối cùng cũng đã biết tôi cúp học. Đến khi đi học về, Mẹ hỏi nhưng tôi vẫn cứng đầu chối là không có. Lần đó mẹ đánh rất nhiều. Mẹ vừa đánh, vừa khóc. Trong nước mắt, Mẹ nói “Mẹ dầm mưa đưa đi học nhưng con lại nghỉ học rồi nói dối, đừng tưởng mẹ không biết không phải chỉ là nghỉ một bữa, nhưng hôm nay lại tiếp tục trốn. Bộ không biết thương mẹ hả?”. Rồi Mẹ lại khóc.
Khoảng thời gian ham chơi đó đối với tôi thật vui và thoải mái nhưng hậu quả là học hành đang trên đà tuột dốc. Giờ Mẹ lại phải chồng thêm một nỗi lo nữa là phải điều chỉnh được tâm lý tôi lúc đó và phải khó khăn lắm mới giúp tôi nhận ra là phải cố gắng học.
Sau lần đó tôi tự nhủ là sẽ không bao giờ để Mẹ phải buồn như vậy nữa. Tôi biết rằng khi Mẹ đánh, tôi đau một nhưng Mẹ lại đau gấp trăm ngàn lần. Nên, phải cố gắng học, cố gắng làm để bù đắp lại những điều khiến Mẹ buồn, bù đắp cho sự hi sinh của Mẹ để tôi được như hôm nay.
Chỉ là câu nói “Con yêu Mẹ” thôi nhưng thật sự rất khó nói, tôi chỉ có thể ôm Mẹ lúc Mẹ ngủ để thể hiện tình yêu thương dành cho Mẹ. Nếu có một điều ước, tôi sẽ ước Mẹ luôn ở mãi bên tôi, để tôi được lo lắng, chăm sóc cho mẹ như mẹ đã từng lo lắng, chăm sóc cho tôi.
Tôi còn nhớ khi học Đại học, trong môn tâm lý học nhân cách, giảng viên đã hỏi chúng tôi rằng: “Khoảng cách của bạn và người thân trong gia đình là bao xa?”
Có nhiều cánh tay đưa lên và nói rằng “Rất gần ạ vì em ở chung gia đình”, hay “Lâu rồi em không gặp mặt vì ở xa quê”....
Giảng viên đã cho bài tập thực hành tại lớp là cho 5 bạn bất kỳ gọi điện về cho mẹ và mở loa lớn cho các bạn cùng nghe.
Tất cả các bạn điều nghĩ rằng việc gọi cho mẹ thì có gì khó nên đã rất tự tin. Thế mà, cuộc gọi đầu tiên:
- Alo, Mẹ ạ.
- Có việc gì không con.
- Dạ (giọng ngượng ngùng) không có gì, Mẹ có khỏe không?
- Ừ, Mẹ khỏe, có việc gì không Mẹ bận chút, có gì nói sau nhé…
Cuộc gọi 2,
- Alo, con gái, con khỏe không? Gọi điện cho Mẹ có tin gì hả?...
Cuộc gọi 3,4…
Tới lượt tôi, trong khi nghe nhạc chờ đã có nhiều suy nghĩ thoáng qua trong đầu "Liệu tôi có làm tốt chăng? Liệu Mẹ bắt điện thoại thật thì biết làm sao đây?"
- Alo, có việc gì không con?
Nghe câu đầu tiên của Mẹ, tôi đã biết rằng tôi không thường xuyên gọi điện về cho Mẹ và nếu có thì chỉ khi nào cần đến việc mà thôi.
- Con gọi vậy thôi ạ, Mẹ giữ gìn sức khỏe nhé, có gì con gọi lại ạ.
Sau tiết học cô giáo nói rằng, khoảng cách trong gia đình quan trọng không phải tại không gian, mà là khoảng cách giữa tấm lòng của các người thân trong gia đình. Các bạn hãy luyện tập gọi thường xuyên, bắt đầu từ Mẹ, sau đó là ba, anh trai, chị gái...và trả lời câu hỏi này của cô vào cuối học phần.
Tôi đã bắt đầu tập gọi cho Mẹ thường xuyên hơn và bắt đầu tự nhiên hơn. Mẹ còn kể thêm cho tôi nghe về những chuyện đã xảy ra trong một ngày, chuyện cháu gái vẽ tranh hoa thật đẹp, chuyện gà nhà mình đẻ bao nhiêu trứng...một cách tự nhiên tấm lòng của tôi và Mẹ như ở cùng một nơi mặc dù tôi đang ở xa về khoảng cách. Tôi cũng gọi điện hỏi thăm em trai, chị gái thường xuyên hơn. Nên cả đại gia đình chúng tôi dù mỗi người một nơi nhưng giống như đang ở cùng một không gian đầy tình yêu thương và hạnh phúc. Mẹ còn khen rằng tôi dạo này thật hiếu thảo dù tôi chưa làm được gì kể từ khi lên Đại học đến giờ.
Kể từ đó, chúng tôi gọi điện cho nhau không phải bất kỳ lý do nào cả mà chỉ vì một lý do duy nhất là chúng tôi là ruột thịt của nhau.
Còn các bạn: Khoảng cách của bạn và người thân trong gia đình là bao xa?
Chỉ trong văn học Việt Nam thôi cũng đã không thể kể hết những bài thơ văn nói về Mẹ, nhưng nói về Cha thì có vẻ ít hơn nhiều. Tuy nhiên thật khó để so sánh được tình yêu thương của hai đấng sinh thành, vì hơn ai hết, họ là những người luôn dành tất cả những gì mình có cho con cái của mình.
Nói về Mẹ, người ta thường nghĩ về những tình cảm dịu dàng như con sóng vỗ từng cơn về với bờ. Đối với Cha, tôi lại nghĩ rằng tình Cha con là một thứ gì đó thiêng liêng khó mà có thể diễn tả được. Cha tôi năm nay ngót nghét cũng gần nửa đời người rồi, nhưng để mà cân đo đong đếm được những tháng ngày khó nhọc mưu sinh ngoài đường, chắc có lẽ nó còn lớn gấp đôi tuổi Cha tôi nữa. Cha Mẹ tôi đều là những người học không cao, vì thế họ luôn ao ước con cái mình học nên người. Họ có thể làm mọi thứ để con cái không hề thiếu thứ gì. Nếu như Mẹ là người lo lắng từng miếng ăn giấc ngủ cho chúng tôi thì Cha lại là người đánh đổi tuổi trẻ của mình để thêu dệt nên những giấc mơ êm đềm cho chúng tôi.
Đối với tôi, Cha là người khá khô khan nên chưa bao giờ tôi thấy Cha bày tỏ tình cảm của mình ra ngoài. Tuy nhiên để kể về những thiếu sót mà chúng tôi kém bạn kém bè thì như “mò kim đáy bể” vậy. Có lẽ tình thương của Cha tôi nó lạ kì như thế, lạ như cái cách mà từng sợi bạc trên mái đầu cứ ngày một nhiều hơn nhưng tôi lại không biết nó xuất hiện khi nào. Một ngày bất chợt tôi ngắm nhìn Cha mình từ xa thì hỡi ôi! Cha đã già mất rồi.
Tôi đã từng làm nhiều thứ, nhưng để ngồi viết ra được những dòng tâm sự này chắc có lẽ đây là lần đầu tiên. Khác với mẹ dịu dàng, gần gũi và hay thể hiện tình cảm dành cho con, cha thường nghiêm khắc, đôi khi khó tính và rất kiệm lời. Sự cứng rắn của người đàn ông, áp lực của trụ cột gia đình khiến cho việc thể hiện tình cảm của cha dành cho con trở nên vụng về, vô tình khiến mối quan hệ thêm xa cách. Và cũng từ đó, càng trưởng thành, dường như con người ta lại bắt đầu kiệm lời hơn và không còn nữa những lời yêu thương dành cho Cha của mình. Chúng ta thường hay nhắc về mẹ với niềm yêu thương vô bờ bến, vậy còn Cha thì sao? Có phải chúng ta nên công bằng hơn với Cha của mình?
Có một nghịch lí hết sức khó hiểu rằng, tôi có thể dễ dàng mở miệng nói yêu thương ai đó nhưng đối với Cha Mẹ mình thì từ lúc biết nhận thức đến giờ đã không còn nữa. Nói một câu yêu thương vốn dĩ khá dễ dàng nhưng tại sao đối với Cha mình tôi lại thấy khó khăn đến thế?
Chắc có lẽ tôi tự giấu mình rằng, nếu thời gian có quay trở về hơn chục năm về trước – ngày mà tôi vẫn còn ngây thơ thì sẽ dễ thể hiện tình cảm của mình hơn mà không còn đó những sự ngại ngùng khó hiểu. Nhưng có thật sự là như vậy không?
Vị thần đang vận hành thời gian chẳng đợi chờ ai bao giờ, cả Cha Mẹ tôi cũng thế, thời gian dần trôi đi thì cũng là lúc tôi dần phải rời xa những người mình yêu thương nhất. Tôi vẫn chưa dám nghĩ đến ngày đó. Mặc dù ngày mai có ra sao thì tôi vẫn tự hào rằng quá khứ, hôm nay và ngày mai, những bước chân tôi đi đều có sự dẫn dắt của Cha.
Thật hạnh phúc và may mắn khi trong những năm tháng qua cuộc đời đã ban cho tôi một người Cha cao cả như thế. Dù cuộc sống có khó khăn, dù vật đổi sao dời nhưng có nề hà gì đâu vì tôi đã có điểm tựa lớn nhất cuộc đời mình. Cảm ơn cuộc đời vì mỗi sớm mai thức dậy, tôi đều có một động lực tiếp bước vì Cha – người đàn ông vĩ đại nhất cuộc đời.
Hầu hết mọi nhà xung quanh tôi đều có vườn cây trong khuôn viên nhà. Những cây cối ấy được xem như là người bạn thân thiết có trải lòng khi chúng ta buồn và lắng nghe mọi sự khi chúng ta vui.
Tôi cũng có một khu vườn nhỏ của riêng mình, có cả cây nở hoa và cả cây cho quả bởi tôi muốn rằng khu vườn của mình sẽ có thật nhiều màu sắc đẹp đẽ. Tôi luôn luôn tưới nước cho chúng và xem công việc đó như một món ăn tinh thần không thể thiếu vào mỗi sớm mai trước khi đi học.
Tuy nhiên, ngược lại với sự cần mẫn chăm sóc của tôi, cây cối trong vườn lại nhanh chóng úa vàng và chậm phát triển. Phải biết nguyên nhân nếu không cây sẽ chết mất. Lý do đầu tiên mà tôi có thể nghĩ đến là do thời tiết. Nhưng thật là sai lầm nếu tôi đỗ lỗi cho thời tiết, bởi vì cây cối trong vườn của nhà hàng xóm đều đang phát triển rất tốt. Tôi cũng nghĩ rằng có thể do mình tưới nước nhiều quá nên đã có ý định hạn chế lượng nước mỗi ngày cho cây v.v..., nhưng tất cả cũng chỉ là phỏng đoán.
Một hôm nọ khi tôi ở nhà, sau khi tưới cây tôi đã quên khóa van nước trong khi vội chạy đi làm một việc khác. Khi sực nhớ rằng vòi nước vẫn đang chảy, tôi đã chạy vội ra ngoài và khóa lại. Nước tràn ra khắp mọi nơi và gần như ngập cả khu vườn. Một tiếng sau, khi thăm lại khu vườn, tôi đã phát hiện ra một sự thật khiến cho khu vườn của tôi không có chút sức sống hay phát triển nào cả. Nếu nhìn bình thường thì có thể thấy rằng đất ở khu vườn này cũng giống như những nơi khác, nhưng nếu quan sát kỹ thì có thể nhìn thấy được rằng vẫn còn quá nhiều nước đọng lại thành vũng to trong khu vườn. Lý do bị như vậy là do đất ở đây quá cứng đến đỗi khó mà thấm hút nước được xuống lòng đất. Lớp đất này có vai trò ngăn không cho nước đến bộ rễ của cây, nên không thể duy trì sự sống của chúng được dù tôi có cố gắng tưới nhiều nước như thế nào đi chăng nữa.
Hóa ra, bao lâu nay tôi đã lãng phí nước vào mỗi buổi sớm mai mà tôi không hề hay biết, bởi nước sẽ chẳng bao giờ thấm được nơi đất cứng cỏi bao giờ. Với tình trạng hiện giờ, những cây yêu quý mà tôi chăm sóc cho đến nay chẳng bao lâu nữa sẽ không sống được nổi chứ nói gì đến ra hoa hay kết quả. Tôi phải nhanh chóng xới đất và bón phân ngay lập tức để chúng có thể phát triển tốt giống như các cây xung quanh.
Đất không được vỡ hoang thì không thể có sự sống, cũng giống như người có tâm hồn cứng cỏi thì khó có thể nở hoa tình yêu thương.
Tôi bất giác nhận ra rằng rằng mỗi khi Mẹ cố gắng hết sức để khuyên bảo tôi hoặc cố gắng hết sức để bày tỏ tình yêu thương của Mẹ cho tôi, thì tôi đều gạt đi và chỉ muốn làm theo ý riêng của mình.
Mẹ nói rằng “Hãy cố gắng học tốt để có tương lai”
Tôi thở dài nói rằng “Con biết tự lo cho mình”.
Mẹ nói rằng “Con đừng chơi với đứa đó”.
Tôi nói rằng “Làm sao Mẹ có thể hiểu được tụi con”…
Bởi tấm lòng cứng cỏi là bức tường ngăn cách giữa tôi và Mẹ, chính vì điều đó nên tôi khó có thể hiểu nổi sự hy sinh và sự lo lắng của Mẹ dành cho tôi là vô bờ bến đến mức nào. Ngày qua ngày, tôi đã trở nên một đứa con gái bất hiếu từ khi nào mà tôi không hề nhận thức được.
Tôi phải xới lại tấm lòng bằng cuốc của sự khiêm nhường, bón phân của tình yêu thương dành cho Mẹ và nhận lấy nước là lời dạy dỗ ấm áp của Mẹ tôi.
Người ta nói rằng “Mẹ là cột sống của tôi để tôi sống một cách ngay thẳng”. Tôi sẽ cố gắng hết sức hiếu thảo với Mẹ bằng cách lắng nghe và làm theo sự dạy dỗ của Mẹ. Vì tôi biết rằng nếu mảnh đất này thay đổi tốt có thể đơm hoa và kết quả đẹp đẽ, nhờ đó sẽ mang theo nhiều sức sống mới cho những người xung quanh tôi. Không biết sắp tới đây sẽ như thế nào, nhưng tôi biết rằng tôi sẽ sống hạnh phúc hơn nếu thay đổi tốt bằng lời của Mẹ.
Có bao giờ bạn hình dung hay suy nghĩ rằng bạn đã bị thất lạc Cha Mẹ từ nhỏ hay là lúc vừa mới sanh ra không? Chắc hẳn là vẫn chưa bao giờ hình dung được, nếu bạn đang sống đầy đủ và hạnh phúc trong tình yêu thương và chăm lo của Cha Mẹ mình. Thật vậy, bản thân tôi cũng đã chưa từng nghĩ đến, mãi cho đến một ngày, một hoàn cảnh được trở về trong tình yêu thương của Cha Mẹ đã làm cho tấm lòng tôi trở nên biết yêu thương hơn, biết trân quý những tình cảm xung quanh hơn. Tôi đã khóc và hối lỗi thật nhiều khi nghĩ đến Cha Mẹ của mình.
Thủy Vân, từ bao giờ không rõ, cô bạn của tôi đã vẫn sống thật bình thường như bao nhiêu người khác, có Cha, có Mẹ và có các anh chị em. Hằng ngày cứ đến lớp, cứ làm việc, và cứ lớn lên. Vậy mà, đến một ngày, một sự thật không một ai nghĩ đến đã xảy ra. Thì ra từ bấy lâu nay, Vân vốn chỉ là được nuôi dưỡng trong gia đình hiện tại. Cha ruột và Mẹ ruột của Vân đã vì một lý do nào đó mà đã phải xa cách với Vân. Ông bà ấy đã lặn lội thật lâu và đã thật vất vả để tìm kiếm Vân. Trong khoảnh khắc mà Vân được trở về nhà với Cha Mẹ ruột ai nấy đều thật xúc động và rơi nước mắt. Tôi cũng đã không thể dằn nén được cảm xúc vừa hạnh phúc thay, vừa vui mừng thay cho bạn.
Cha Mẹ ruột Vân hẳn đã trải qua thật nhiều những thăng trầm và khổ nhọc trong cuộc sống, vì đã rời khỏi đất nước Mỹ giàu đẹp, trù phú mà trở lại Việt Nam để tìm Vân. Tôi nghe kể lại rằng: dù đã nhiều lần cảm giác như vô vọng, nhưng trong suốt hơn 25 năm ông bà chưa một lần nào nghĩ rằng sẽ bỏ cuộc cả. Thậm chí ông đã phải làm thật nhiều nghề, và cũng nhiều nơi, còn Mẹ Vân thì hẳn đã khóc thật nhiều rồi. Trong đôi mắt ấy đã hằn sâu nỗi nhung nhớ da diết... Tạo Hóa thật sự đã rất công bằng. Cuối cùng, nỗi vất vả của Cha Vân và giọt nước mắt thương nhớ da diết của Mẹ Vân cũng nhận lãnh kết quả thật sự xứng đáng, ấy là được gặp con gái của mình. Hẳn là với Cha Mẹ Vân kết quả ấy là kết quả lớn lao nhất và mĩ mãn nhất trong cuộc đời của ông bà rồi. Thật vậy!
Và đối với bản thân Vân cũng đã hạnh phúc không hề kém. Vân đã vui mừng và trở về trong tình yêu thương của Cha Mẹ ruột, cũng đã không quên tình yêu thương của Cha Mẹ hiện tại đã chăm sóc và lo lắng và nuôi dưỡng Vân trong suốt 25 năm qua. Vân đã nói rằng Vân là người thật sự đã được Tạo Hóa ưu ái và yêu thương thay. Vân có đến hai người Mẹ, hai người Cha, có đến hai gia đình đầy ắp tình yêu và ấm áp thế này rồi thì còn mong gì hơn nữa đây!
Bản thân tôi cũng thật vui thay, và nhận thức rõ thêm một điều rằng; vì con cái, vì tình yêu thương dành cho con cái của mình, các bậc làm Cha Mẹ đã không hề từ bỏ bất cứ khó khăn nào để có thể được chăm lo và hiến cả thân cho con cái của mình một cách vô điều kiện. Cha Mẹ của tôi cũng đã như vậy. Tôi thật hạnh phúc vì đã được trưởng thành trong tình yêu thương của Cha Mẹ. Con xin cảm ơn Cha Mẹ thật nhiều! Không gì hạnh phúc hơn khi được ở trong vòng tay của cả cha và mẹ.
Hình ảnh mà tôi còn được nhớ đến khi Cha còn bên cạnh anh chị em chúng tôi, ấy chính là hình ảnh Cha tôi đã mặc một chiếc áo khoác suốt bốn mùa trong năm. Còn nhớ, Cha tôi mỗi khi đi làm việc hay đi đâu xa, Cha đều khoác chỉ mỗi một chiếc áo khoác duy nhất. Ấy là chiếc áo khoác bằng lông cừu. Thời tiết lạnh Cha khoác áo lông cừu, mà thời tiết nóng Cha cũng khoác chiếc áo lông cừu ấy. Cứ như là làm một dấu hiệu để cho chúng tôi nhận biết về Cha vậy.
Và thật như vậy, chiếc áo lông cừu ấy đã là một dấu hiệu về Cha chúng tôi. Nói vậy, nhưng chẳng phải Cha tôi lập dị đâu, không phải Cha tôi không biết mùa lạnh thì mặc áo ấm, mùa nắng thì phải mặc áo mát sao cho thoải mái hơn đâu. Không phải Cha tôi không phân biệt được thời tiết, mà Cha đã dành hết tất thảy những gì của Cha cho chúng tôi rồi. Cha dành cả sức lực của Cha, cả cuộc đời của Cha để lo lắng cho chúng tôi, những con cái bé nhỏ của Cha rồi.
Thật Cha tôi đã yêu thương chúng tôi hơn cả chính bản thân của Cha. Đôi vai cha đã trở nên đau thật nhiều vì công việc nặng nhọc. Và sâu thẳm trong đôi mắt Cha hẳn đã không ít lần khóc vì con cái chúng tôi. Giọng nói của Cha thì trầm ấm làm sao! Cha tôi thường phải làm việc ở nơi xa, mỗi khi Cha đi xa, Cha phải mang theo túi dụng cụ rất nặng. Cha tôi cũng đã là một kỹ sư rất tài giỏi. Cha tôi mà đã thiết kế ra một công trình nào thì chắc nơi đó sẽ là nơi đẹp đẽ vô cùng. Dù Cha đã đi, nhưng trong những điều mà Cha để lại cho anh chị em chúng tôi, có một bản vẽ tương lai, thông qua bản vẽ ấy mà anh chị em chúng tôi mới nhận biết tình yêu thương và kỳ vọng của Cha hướng về chúng tôi là lớn lao thế nào. Ôi cha đã yêu thương chúng tôi biết bao nhiêu!
Giờ đây mỗi khi tôi được nhìn xem lại bản vẽ tương lai ấy, và hình ảnh mặc áo lông cừu của Cha thì lòng tôi thật nhớ Cha vô cùng. Tôi nhớ giọng nói của Cha, nhớ gánh nặng Cha mang theo mỗi khi đi làm, nhớ cả đôi mắt Cha đầy sự hiền từ và nhân hậu nữa.
Cha ơi, con xin lỗi Cha vì giờ đây con mới hiểu tình yêu thương Cha đã dành cho chúng con!
Và con xin cảm ơn Cha thật nhiều Cha ơi!
Trong cuộc đời của mỗi con người, niềm hạnh phúc nhất ấy là được Cha Mẹ yêu thương mình hết lòng và cảm nhận tình yêu thương ấy một cách trọn vẹn. Thật ra, dù chúng ta là con cái có cố gắng hết sức để thấu hiểu như thế nào đi chăng nữa, nhưng vì tình yêu thương ấy rộng lớn đến nỗi dù chúng ta có trưởng thành đến mức nào đi chăng nữa cũng không thể nào đong đếm được.
Có một câu chuyện kể về một thanh niên thả hồn trên biển. Ấy là quãng đường thật vui mừng và hạnh phúc biết bao. Khi quay lưng lại thì thấy rằng có dấu chân của hai người đang đi cùng nhau. Người thanh niên la lớn lên rằng, ai đã đi cùng tôi thế. Có một tiếng nói vọng xuống rằng “ Ấy là Cha ngươi”.
Đi một đỗi xa xa, thật là vùng hoang vắng, đầy sỏi đá, đầy buồn, tủi hổ và đau đớn. Khó khăn lắm anh ấy mới vượt qua được. Nhưng khi nhìn lại chỉ thấy có một dấu chân. Anh ta đấm ngực mà nói rằng “ Khi hạnh phúc thì Cha đi cùng với tôi, vậy khi khổ ải, đau đớn, Cha tôi đi đâu mất rồi. Chỉ có bước chân của tôi nặng nề, đau đớn mà thôi.”
Lại một tiếng nói khác vọng xuống mà rằng “ Ta thấy Cha ngươi cõng ngươi trên lưng”.
Khi đọc câu chuyện này tôi đã thấy thật sốc biết bao!
Tôi thật xấu hổ khi ai đó hỏi rằng có kỷ niệm cảm động về Cha không, bởi tôi đã có thật ít kỷ niệm vui về Cha. Tôi đã được biết rằng không phải Cha không yêu thương tôi nhưng vì Cha đã chưa bao giờ nói ra. Cha có thể làm nghề Cha muốn, nhưng vì gánh nặng gia đình Cha phải ép mình và làm việc với nghề mình không thích. Mặc dù khi về đến nhà, Cha luôn cười và nói rằng không sao, nhưng thật sự Cha đang mệt mỏi và đau đớn nhiều lắm.
Thật, nếu không có con cái thì Cha Mẹ đỡ phải đau đớn dường bao!
Đã có lần tôi đã không kìm được nước mắt khi cãi nhau với Cha.
Hôm đó Cha về khuya lắm, tôi ráng thức, đợi Cha về. Nhưng không phải giống những đứa con ngoan đợi Cha về vì nhớ Cha, vì lo lắng cho Cha, mà tôi chỉ muốn nói với Cha một câu thôi. Khi thấy bóng Cha từ đầu cổng, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng khuôn mặt giận dữ:
- Cha đi khuya quá, con tưởng nhà mình là nhà trọ của Cha luôn rồi đó.
Cha tôi sửng sốt:
- Con đợi Cha về để nói lời này hả, Cha đi làm mà, vì cả nhà và vì con nữa.
- Con nghĩ Cha đừng sinh con ra thì hơn để Cha đỡ phải khổ như thế này. Đêm nào Cha cũng về muộn lỡ có chuyện gì xảy ra thì sao?
Tôi nhìn Cha đăm đăm với vẻ bất mãn nhưng tấm lòng lại bị tan chảy ra vì thấy có cái gì ươn ướt ở khóe mắt Cha:
- Vì con là toàn bộ sự quan tâm của Cha, và là sự sống của Cha. Không có con làm sao Cha sống nổi.
Tôi đã bị sốc thật nhiều, hai giọt nước mắt cũng lăn dài trên má vì cảm động. Cha chưa bao giờ nói ra cảm xúc thật của mình, chưa bao giờ dùng lời âu yếm để vuốt ve con cái từ khi tôi lớn cho đến giờ. Nhưng hôm nay... Lời ấy là lời mà từ trước đến giờ chưa bao giờ tôi được nghe lại thốt ra từ miệng của Cha, bởi Cha là người thật trầm tính. Giọng nói ấm áp ấy mà từ đó đến giờ tôi lập bức tường để ngăn trở, nếu có cơ hội thì sẵn sàng ném đủ thứ vũ khí làm cho đau đớn và là vết thương lòng của Cha tôi. Tôi đã chưa bao giờ cảm nhận được rằng tôi được lớn lên cho đến bây giờ là nhờ tình yêu vô hạn của Cha. Không phải Cha không thể hiện ra, nhưng vì tấm lòng của tôi quá cứng cỏi đến mức không thể nào cảm nhận được con đường hy sinh ấy.
Tôi đã nghĩ rằng sự cô đơn không có Cha bên cạnh là lớn lắm! Tôi cứ nghĩ rằng sự khó khăn hay thiếu thốn của tôi là lớn lắm! Hoặc việc nỗ lực của tôi để giúp đỡ trong nhà cũng là lớn và nghĩ rằng cha chẳng lo được gì cho gia đình cả, chỉ là con, mẹ và các anh, chị, em thôi. Nhưng thật sự nỗ lực của tôi là bao?
Cha đã cô đơn đến mức nào bởi rào cản của một tráng niên gánh vác công việc gia đình khó có thể kết nối được với con cái! Cha đã đau đớn biết bao khi một mình che chắn cho tổ ấm này bằng đôi vai ngày một yếu đi vì tuổi tác! Sức mạnh để Cha có thể sống tiếp và làm việc tiếp ấy là các con cái mà tôi nào hay biết.
Cha cõng tôi và cả nhà trên lưng khi gặp bão táp, nhưng Cha chưa bao giờ than nặng chút nào, Cha nói rằng ấy là gánh nhẹ nhàng và hạnh phúc vì Cha yêu con và yêu gia đình này.
Con đường Cha đi cùng gia đình hiện giờ sẽ có các con cái đồng hành cùng Cha. Xin Cha hãy cố lên! Chúng con đã trưởng thành và sẽ gánh vác công việc này cùng Cha. Đến kỳ Cha được nghỉ ngơi rồi. Xin hãy cố lên!
Ba tôi tuy không giỏi giang trong việc kinh doanh lắm nhưng về việc nhà thì lại rất giỏi và nấu ăn cũng rất là ngon. Trong suốt khoảng thời gian tôi đi học từ tiểu học cho đến cấp 3 thì Ba chính là xe ôm đưa đón tôi đi học mỗi ngày dù mưa hay nắng. Mỗi khi Mẹ vắng nhà, ai cũng nghĩ là tôi sẽ phải nấu cơm và phải lo lắng hết mọi chuyện trong nhà, nhưng ngược lại, Ba luôn để tôi ngủ và ba dậy sớm đi chợ về nấu cơm cho tôi ăn.
Ngày xem kết quả thi đại học, hồi hộp chờ đợi kết quả, khi màn hình hiện kết quả điểm số, Ba mừng rơi nước mắt vì công sức mười hai năm làm xe ôm của Ba rất xứng đáng. Tôi cũng rất tự hào về điều đó. Thường Ba không hay hỏi han, quan tâm trực tiếp khi tôi gặp chuyện buồn hay chuyện gì, chỉ âm thầm theo dõi, rồi hỏi thông qua mẹ và kêu Mẹ an ủi tôi. Một sự quan tâm âm thầm nhưng tôi rất thích như vậy. Mỗi dịp tết đến, Ba rất bận rộn vì trồng bông để bán. Ba tự tìm hiểu các loại hạt giống rồi phân bón cho đến cách chăm sóc sao cho hoa đẹp, sum xuê và Ba đã thành công. Vườn bông tết rất đẹp, với đủ loại hoa từ thọ, mào gà, hướng dương cho đến cúc. Một tay Ba trồng, một tay Ba chăm sóc, rồi tỉa lá, bắt ốc, bắt sâu để bán cho thương lái và mang lại nguồn doanh thu khá cho gia đình tôi vào dịp Tết. Ba chính là minh chứng cho việc “Con người không giỏi mặt này thì người ta sẽ giỏi về mặt khác”.
Nhìn vậy nhưng Ba vẫn rất khắt khe trong việc dạy dỗ con cái. Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ Ba la hay lớn tiếng với tôi, thường là Mẹ sẽ làm những việc như vậy. Nhưng lần tôi trốn học, đó là lần đầu tiên trong đời Ba không kiềm chế được mà đánh tôi. Ba chỉ đánh tôi một cái, rồi bảo “Ba thật sự thất vọng”. Chỉ với một câu nói nhưng đã làm thức tỉnh rất nhiều điều trong đầu tôi. Tất cả những gì tôi cố gắng cho học hành cũng như công việc hôm nay, không những tốt cho bản thân tôi mà còn để cho Ba tôi không bao giờ phải cảm thấy thất vọng về tôi mà sẽ chỉ có tự hào khi nhắc đến đứa con gái út của ba.
Hồi bé, tôi quyết tâm sau này khi trưởng thành không làm nghề kinh doanh. Ấy là vì Cha tôi.
Cha khi xưa là một nhà kinh doanh bận rộn quá khó để gặp mặt. Thường ngày, Cha thường xuyên đi gặp gỡ đối tác hay đi gặp mặt khách hàng, nên tôi có thật ít kỉ niệm về việc cùng ngồi ăn cơm với Cha. Có đôi lần Cha ở nhà, nhưng cũng chẳng có thời gian mấy cho gia đình vì luôn phải trả lời điện thoại. Hết cuộc gọi này cho đến cuộc gọi khác mất cả ngày rồi lại đi ra ngoài.
Cứ nhiều lần như thế, trong tâm trí của đứa trẻ mới lớn như tôi cảm thấy cực kì bất mãn về việc Cha có ở nhà hay không có ở nhà. Tôi luôn phàn nàn với Mẹ rằng “Cha chỉ biết có công việc mà thôi.” Lúc đó Mẹ luôn trả lời rằng “Cha làm việc vì con cơ mà!”
Tôi đã không thể hiểu nổi lời của Mẹ. “Rõ ràng Cha xem công việc trọng hơn gia đình! Rõ ràng Cha thích công việc ấy đến nỗi mang công việc ấy về nhà mà làm việc say sưa! Có phải vì tôi đâu!”
Sau này, khi lớn lên một chút, tôi mới chợt nhận ra một điều: Cha tôi có tính hướng nội, rất khó tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh phải va chạm với Bao nhiêu loại người. Cha thích đọc sách, đi dạo hoặc nghỉ ngơi ở một nơi yên tĩnh hơn là vừa dùng bữa vừa nói chuyện về kinh doanh hay chạy theo cuộc sống xô bồ trong hiện tại. Hóa ra, Cha chấp nhận nghề nghiệp không hợp với sở thích của mình và dồn ép bản thân mình không phải vì Cha yêu mến công việc ấy hơn tôi hơn gia đình (là điều tôi kép tội Cha suốt một thời niên thiếu) mà vì mong ước duy nhất và lớn nhất của Cha là các con cái được nhanh chóng lớn lên và trưởng thành mà không thiếu thốn gì.
Nhìn lại thì sinh hoạt thời thơ ấu của tôi cũng thật sung sướng, Cha luôn yêu quý tôi và cho tôi hết những thứ tốt đẹp. Mặc dù bận rộn đến đâu đi nữa, nhưng nếu là việc làm vì con gái của Cha và các con cái khác thì Cha làm hết sức mình bằng tấm lòng vui mừng. Nếu tôi cần đến sự giúp đỡ, Cha đã từng nói một cách êm dịu rằng “ Con gái út của Cha, con là toàn bộ cuộc sống của Cha!”
Vì không có nhiều thời gian cho tôi, nên mỗi khi có thời gian rảnh để nói chuyện với tôi, Cha không bao giờ nói những lời vô nghĩa. Cha luôn dạy những lời giáo huấn cho tôi với mong ước rằng con cái trưởng thành ngay thẳng và sống hạnh phúc.
Rõ ràng mỗi ngày tôi được lớn lên từ việc rút đi sức lực của Cha yêu dấu! Cha ngày một yếu đi với tư cách là nhà kinh doanh. Vì phải sống cuộc sống bất quy tắc so với tính cách của mình nên thật mệt mỏi. Sức khỏe Cha trở nên yếu đi và phải dùng thuốc mỗi ngày dù Cha vốn là người cao to và cường tráng. Ấy là vì Cha đã hy sinh hết thảy cho con gái này!
Mỗi ngày thức giấc và có được cuộc sống gọi là ngày hôm nay, ấy là nhờ tình yêu thương vô hạn và hy sinh thầm lặng của Cha. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa nhận biết hết tình yêu thương của Cha nhưng tôi muốn sống cuộc đời ăn năn hối cải thật sự trong khi ghi khắc trong tấm lòng rằng vì có Cha mới có tôi của ngày hôm nay.
Khi học lớp 10, kế nhà tôi có một bà lão dọn về. Đã ngoài 60, nhưng cụ thật khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Tôi đã rất chú ý đến ngôi nhà này mỗi lần đi ngang qua. Không phải bởi ngôi nhà ấy đẹp mà bởi hành động của cụ. Lần nào đi ngang qua, tôi cũng thấy bà lau cửa sổ, lau khung cửa, lau bàn...thật cẩn thận bằng một chiếc khăn trắng. Công việc của bà đã không hề thay đổi dù 1 tháng, 3 tháng tháng trôi qua.
Có lần tôi đã suy nghĩ rằng những thứ ấy có cần thiết phải lau đi lau lại hoài như vậy không? Bà có thể để dành thời gian cho việc khác còn tốt hơn mà? Phải nghỉ ngơi đi chứ ? Không lẽ bà ấy lại không giành một khoảng thời gian nhỏ để nghỉ ngơi hay sao? v..v
Tuy nhiên một ngày kia tôi không còn nhìn thấy bà cụ ấy nữa, còn cái khăn cũng buồn hiu vắt trên cửa sổ. Những ngày tiếp đó cũng thế, miếng vải vẫn tiếp tục ở đó mà không ai thèm nhòm ngó đến nhìn thật thảm thương. Nó bị bỏ rơi đó và ngôi nhà đã từng được trở nên mới và sạch sẽ mỗi ngày bây giờ thật ảm đạm và thiếu sức sống biết bao!
Tôi bất chợt thương Mẹ quá! Nếu như không có mẹ sanh tôi ra tôi, hàng ngày chăm sóc cho tôi, nhẫn nhịn, quan tâm và dạy dỗ để mỗi ngày, tâm hồn tôi được thay đổi mới và đề hình hài còn được trở nên đẹp đẽ và xinh xắn thế này, thì tôi cũng chẳng khác nào miếng vải kia bị vứt sang một bên mà không ai thèm quan tâm đến. Nếu như Mẹ không chịu đựng vất vả mỗi ngày để dọn dẹp, để nhặt từng chiếc áo nhiều lần vứt dưới sàn vì vội đi...thì có lẽ tôi đã sống ở một nơi cũng như ổ chuột mà thôi.
Tôi chưa bao giờ biết ơn về việc mỗi lần bước về nhà mọi thứ điều ngăn nắp mà chỉ nghĩ rằng ấy là trách nhiệm của Mẹ, cũng chưa từng biết ơn thật sự về việc mẹ mua áo mới hay các vật dụng cho tôi vì nghĩ rằng ấy là điều đương nhiên rồi nhận cách đương nhiên. Tôi cũng chưa từng cảm ơn Mẹ vì thức ăn mỗi ngày mà chỉ biết ăn vội rồi đi vì nghĩ rằng ấy là việc phải làm của Mẹ,… Cứ thế cứ thế, tôi đã không xem những điều ấy là diễm phúc lớn lao của cuộc đời tôi vì có Mẹ mà chỉ xem đó như là một trách nhiệm của một bậc sinh thành.
Bỗng một ngày, tôi chợt có suy nghĩ rằng nếu không có bàn tay của mẹ, tôi sẽ ra sao đây?
Con cảm ơn mẹ, vì mẹ đã chăm sóc con bằng đôi tay mềm mại của mẹ, và mẹ không bỏ con một mình để không bị cô đơn. Con sẽ nỗ lực học tốt để sau này giúp đỡ thật nhiều cho Mẹ. Con không biết rằng ngày mai sẽ ra sao, nhưng con tin chắc rằng, những hạt giống hy sinh mà Mẹ đã gieo vào lòng con sẽ được nảy nở những hoa thơm, trái ngọt. Tin con và luôn đồng hành cùng con, Mẹ nhé!