Hình ảnh người mẹ luôn là chủ đề lớn mà bao thi sĩ, nhạc sĩ đã khai thác trong các tác phẩm của mình. Không phải tự nhiên mà người mẹ lại được đề cao trong các áng thơ ca nhạc họa. Nhắm mắt nghĩ về mẹ, mỗi chúng ta ai cũng dâng trào cảm xúc. Tôi yêu mẹ tôi, nhưng lời ấy thì tôi chưa bao giờ nói trước bà. Mẹ, người mà cả cuộc đời này, tôi cũng không thể trả hết được công ơn nuôi dưỡng được. Cũng như bao người mẹ trên mảnh đất này, mẹ luôn yêu con cái vô điều kiện mà không bao giờ hy vọng nhận lại. Một thứ tình cảm thiêng liêng, mà không thể dùng đơn vị nào để đo lường đong đếm. Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường, ba mẹ tôi làm nông, những con người chân quê chất phác, đôn hậu. Mẹ tôi khá mạnh mẽ, bà cũng ít khi nói lời ngọt ngào yêu thương con cái, mọi tình yêu thương bà chỉ dành cho hành động. Tôi nhớ ngày còn thơ bé, khi thời buổi kinh tế khó khăn, mẹ vừa lo buôn bán ngoài chợ, vừa lo công việc đồng áng, lại vừa chăm lo cho con cái. Một tay mẹ quán xuyến mọi công việc. Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng êm ấm nhưng mẹ biết cách giữ gìn hạnh phúc gia đình. Mọi hành động của bà đều hướng về con cái. Nếu như ba tôi có phần nhu mì hơn, dễ hơn, thì mẹ lại nghiêm khắc hơn. Mẹ dạy tôi nhiều điều hay trong cuộc sống. Mẹ dạy tôi nấu ăn. Mẹ bảo con gái cần phải giỏi giang, phải thuộc lòng bốn chữ công, dung, ngôn, hạnh. Mẹ dạy tôi phải độc lập, sống bản lĩnh, không là cây tầm gửi, phụ thuộc vào bất cứ ai. Sống tự trọng, độc lập, và trách nhiệm, mẹ muốn tôi sống cuộc đời của chính tôi. Mẹ mạnh mẽ, bao bọc và che chở cho hai anh em tôi. Tôi nhớ năm ba đi công tác xa nhà, nước lũ thì dâng lên cao, nhà tôi ở nơi thấp nên rất hay ngập. Cùng sự giúp đỡ của mấy bác họ, mẹ dọn dẹp hàng hóa, vật dụng, đàn gia súc cũng như lo cho hai anh em khỏi ướt. Mẹ tôi không phải là một người vĩ đại với thế giới, nhưng trong thế giới nhỏ bé của tôi, mẹ tôi mà người vĩ đại nhất. Đến tận bây giờ, khi đã ngoài bốn mươi, bà vẫn miệt mài hăng say lao động không quản ngại mưa nắng. Những điều mẹ dạy tôi là những điều hay lẽ phải, cả cuộc đời này làm sao tôi quên. Tôi nhớ từ nhỏ, hiếm khi thấy mẹ khóc, vậy mà khi tôi đậu đại học và xa nhà mẹ đã khóc. Tôi nhớ như in cái ngày hôm đó, cái ngày lên tàu vào thành phố học tập. Khi tàu bắt đầu lăn bánh, từ phía xa khung cửa sổ, tôi thấy mẹ vẫy tay tạm biệt rồi lấy tay lau giọt nước mắt trên má. Những đứa con rồi sẽ đến lúc trưởng thành, sẽ xa vòng tay cha mẹ, còn cha mẹ thì lúc nào cũng vậy, cũng lo cho con đến cuối cuộc đời. Mẹ hay gửi quà quê vào cho tôi, nào bánh trái, nào thịt cá, mỗi lần ra bến xe chở hàng, tôi lại thấy tình mẹ bao la biết chừng nào. Mẹ lúc nào cũng chu đáo, lo cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Những đứa trẻ khi xa rời vòng tay cha mẹ, chúng như đàn chim lạc bầy, còn cha mẹ thì luôn hướng về con cái, luôn hướng dẫn để chúng không lạc lối. Ngày tôi tốt nghiệp, mẹ ở bên tôi, tôi thấy mẹ hạnh phúc cười. Cây non mẹ vun trồng đã đến ngày sai quả. Tôi dù lớn vẫn là đứa con bé bỏng của mẹ, đi suốt cuộc đời, lòng mẹ vẫn theo tôi. Điều tôi mong muốn bây giờ là mẹ luôn khỏe mạnh, luôn ở bên như lúc này. Mẹ là chỗ dựa êm ái, vững vàng để mỗi lúc xa quê, trở về tôi sẽ sà vào lòng mẹ như lúc còn thơ bé. Mẹ, tôi yêu bà rất nhiều. P.Vy.

      “Tình cha ấm áp như vầng thái dương…” câu hát ở đâu ngân vang trong một buổi tối chủ nhật tĩnh mịch. Tôi nghĩ về ba tôi, người đàn ông mà có lẽ cả cuộc đời này tôi không tìm được ai bao dung yêu thương tôi vô điều kiện như ba. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, những lúc gặp khó khăn, tôi biết ở trong mái nhà dạt dào yêu thương, luôn có ba tôi che chở mỗi lúc mỏi mệt. Ngày còn thơ bé, ba địu tôi trên vai, trên vai ba, tôi thấy mình như công chúa, tôi thấy cả thế giới nhỏ bé dưới chân. Bao kỷ niệm thời thơ bé gắn liền với ba. Tôi nhớ ba những ngày nắng, ba tần tảo thức khuya dậy sớm lo việc đồng áng. Tôi nhớ ba những ngày mưa bão, một mình ba ra buộc lại cây, gia cố lại mái nhà, lội dòng nước lũ đưa con đến nơi an toàn. Tôi nhớ bữa cơm ngày bão, ba dành cho cái phần ngon, ba ăn cơm với mắm với rau luộc mà cười giòn giã xua tan không khí lạnh lẽo ngày mưa. Miền trung nắng gió, bão lại nhiều, một mình ba chống đỡ thiên tai, bảo đảm sự bình yên cho gia đình. Đối với việc học của con cái, ba không ép buộc lựa chọn theo ý ba, ba để hai anh em tôi tự quyết định và chịu trách nhiệm về lựa chọn ấy. Ba luôn ủng hộ, luôn đồng hành sát cánh bên hai anh em. Tôi nhớ lúc nhỏ, gặp bài toán khó hay bài văn nào khó, ba luôn là người mà tôi nghĩ đến đầu tiên để giúp đỡ. Ba tôi học giỏi, ba muốn học Đại học nhưng nhà không đủ điều kiện, ba đành bỏ giấc mơ giữa chừng. Sau này khi lập gia đình, ba quyết tâm vừa học vừa làm để hoàn thành giấc mơ còn dang dở, lấy bằng Đại học hệ tại chức của Đại học Bách Khoa là một nỗ lực không ngừng nghỉ của ba. Trong học tập, lao động cũng như cuộc sống ba luôn là một tấm gương sáng cho hai anh em tôi noi theo. Hình ảnh ba dẫn tôi đi mua sách, dẫn tôi đi học, ba đi họp phụ huynh luôn ở trong tâm trí tôi, ba là người ảnh hưởng lớn đến hành trình học tập của tôi. Nếu tôi sinh ra trong một hoàn cảnh khác, liệu tôi có được may mắn thế này không. Ba rất chịu thương chịu khó, lại có đầu óc kinh doanh, ở miền quê nghèo nơi tôi sống, dù không giàu có nhưng cũng có thể lo cho hai anh em tôi có cuộc sống tốt. Ông năm nay đã ngoài bốn mươi, mái tóc đã dần bạc, trên gương mặt ba cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn như dấu vết của thời gian in hằn. Ông không quá nghiêm khắc trong việc dạy con cái nhưng sự chăm sóc ân cần của ba cũng khiến chúng tôi ngoan ngoãn nghe lời. Tháng trước, một mình ba bắt xe vào thành phố, tôi dẫn ba đi khám bệnh, bác sĩ bảo ba bị rối loạn tiền đình cũng nhiều căn bệnh lặt vặt khác. Tôi thấy lo cho ba, ba già đi nhanh quá mà tôi chưa thực sự lớn khôn. Ba chở tôi đi trên đường phố nơi đông người, dòng người bước qua vội, tôi nhớ mỗi bước chân trên hành trình cuộc đời đều có ba ở đó. Đó là ngày đầu tiên con đi học, ba chở con trên xe đạp cũ, đó là ngày con đi nhận thưởng, ba chở con trên chiếc xe Wave cũ, đó là ngày con thi Đại học, ba dẫn con đi trên chiếc xe đò đông người, ngày đi thi, ba đứng chờ con lòng ba nôn nao. Ngay biết tin tôi đậu Đại học, ba vừa vui ,vừa lo. Vui mừng vì tôi đã đặt được bước chân của cánh cửa Đại học danh giá, lo vì tôi xa nhà, xa vòng tay của ba má tôi có chịu được không. Tôi dù lớn thì vẫn luôn là đứa con bé nhỏ của ba, ba vẫn lo lắng cho tôi trên từng bước cuộc đời. Tình yêu cha mẹ dành cho con cái lúc nào cũng mênh mông như thế. P.Vy.

      Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết, trong lòng mỗi đứa con xa quê là lòng nôn nao rạo rực đến lạ. Tôi cũng không ngoại lệ, tôi nhớ Tết hay nhớ về những kỷ niệm trong những ngày Tết xưa cũ với những người tôi yêu thương. Tôi nhớ ba má, nhớ đứa em họ nhanh nhảu, tôi nhớ về bà, người bà tần tảo sớm hôm nuôi má tôi khôn lớn. Ngoại tôi năm nay ngoài tám mươi, kể từ hơn mười năm trước, sau khi ông mất, ngoại chỉ sống một mình trong căn nhà nhỏ cùng lũ mèo tam thể. Con cháu muốn đưa ngoại về chung sống nhưng ngoại không muốn. Ngoại không quen với cuộc sống thành phố với những con hẻm chật hẹp và dòng người đông đúc, ngoại quen với miền quê yên bình nơi con sông uốn khúc lượn quanh cánh đồng nơi thôn quê. Ngoại càng không muốn làm phiền con cháu, ngoại chỉ cần các con đoàn kết, các cháu sống ngoan ngoãn là đủ làm ngoại vui lúc về già. Tôi yêu ngoại, một tình yêu chan chứa như tình yêu ngoại dành cho con cháu. Ngoại là tấm gương cho tôi học tập. Ngày xưa, khi ngoại còn khỏe mạnh, ngoại vừa buôn bán vừa lo việc đồng áng cùng chăm sóc con cái. Một tay ngoại quán xuyến công việc, mà mọi việc đều tươm tất. Dù không giàu có gì nhưng ngoại vẫn cố gắng cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Mỗi khi nghĩ tới chuyện học hành của các con, ngoại chỉ bùi ngùi nhắc: “Chỉ tội thằng hai, là anh cả nên nó nghỉ học để sớm lo cho các em, nó thông minh lắm, nếu mà có điều kiện học tập thì giờ cũng thành danh”. Lòng ngoại lúc nào cũng mênh mông thế. Ngoại hay đi chùa, ngoại bảo ngoại cầu sức khỏe và tích đức cho con cháu. Ngoại giờ cũng hay bệnh, hôm trước khám bệnh, bác sĩ bảo ngoại phải dưỡng sức đừng làm việc nữa, giờ nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Mỗi lần con cháu về thăm, ngoại lại lo tất bật quà bánh. Ngoại tôi khéo lắm, ngoại làm được rất nhiều loại bánh cổ truyền. Nhớ những ngày gần Tết, ngoại gói bánh chưng, bánh tét. Ngoại đổ bánh thuẩn, bánh mì xốp, bánh nổ,… Ngoại còn làm nhiều loại mứt như mứt bí, mứt gừng, mứt dẻo,… Nghĩ mà thương ngoại, ngoại làm toàn cho con cháu chứ ngoại không ăn gì bao nhiêu. Tình thương của ngoại cũng ngọt dịu như hương mứt ngày Tết. Tôi lớn lên trong tình thương của biết bao người chân quê, để khi xa quê, nghĩ gần Tết, tôi càng rạo rực chờ mong ngày về. Ngoại dạy tôi làm bánh, ngoại dạy tôi bao điều hay trong cuộc sống. Tôi nhớ đêm ngoại ở nhà dì, tôi lên thăm ngoại. Ngoại kể tôi nghe những câu chuyện ngoại trải qua ngày son trẻ. Ngoại biết cháu của ngoại rồi cùng trưởng thành, ngoại dặn dò đủ điều hay để bước vào đời. Ngoại bảo cuộc sống thì không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng cháu đừng bao giờ bỏ cuộc mà phải cố gắng phấn đấu vươn lên. Ngoại muốn cháu luôn giữ được những tính tốt dù sau này cuộc sống có như thế nào đi chăng nữa. Tôi nhớ hình ảnh ngoại ngồi bên nồi bánh tét đêm ba mươi, làn khói từ nồi bánh tỏa ra nghi ngút cùng mùi khói lan tỏa khắp một góc bếp. Ngoại hiền từ như bà tiên, khuôn mặt phúc hậu ấy luôn nhắc nhở tôi mỗi khi muốn từ bỏ thì phải cố gắng nhiều hơn như lời ngoại dặn. Tôi biết, rồi ngày mai, sẽ có một ngày ngoại không còn bên cạnh, lời ngoại dặn luôn là hành trang cho tôi bước vào đời. P.Vy.

      Ông nội tôi nay đã ngoài tám mươi, sức khỏe ông đã giảm đi khá nhiều. Hơn hai năm trước, ông bị chẩn đoán bị ung thư vòm họng, kể từ cái ngày biết kết quả xét nghiệm ấy là một hành trình đấu tranh với bệnh tật kiên cường của ông. Các bác, các chú cùng ba và con cháu cũng nể phục trước ý chí kiên cường của ông. Hết phẫu thuật, hóa trị, đến xạ trị, không có phương pháp nào là ông không thử qua. Ngày trước khi chưa bị bệnh, ông hay nói hay cười, hay kể tôi nghe về những ngày còn chiến tranh ác liệt. Ông hào hứng kể tôi nghe những chiến tích của mình. Những chiến tích ấy lấy đi những phần sức khỏe của ông, nó cũng trở thành một phần của lịch sử của dân tộc. Ông hay kể thời ông là bộ đội du kích, đánh giết biết bao tên địch, hay những lúc quân đội Mỹ thả bom, ông cùng đồng đội xuống hầm trú ẩn. Những tên lính Mỹ to lớn cùng bao vũ khí tối tân mà cũng chịu khuất phục trước sung của quân du kích. Rồi khi kể đến đoạn quân Đại Hàn vào nhà dân, bắt già trẻ lớn bé, thực hiện chính sách của quân đồng minh Mỹ, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, chúng lôi già, trẻ, lớn bé lên mương ruộng. Rồi lần lượt tra hỏi, dân mình kiên cường cho đến lúc bọn lính tức giận ra tay tàn nhẫn sát hại. Một buổi sáng tháng ba tiết trời trong xanh, nhưng có những người dân vô tội lại ra đi mãi mãi. Cứ mỗi khi nói đến đoạn này, ông lại trực trào nước mắt. Tôi thấy thương ông hơn, thương cả những người dân xấu số, càng yêu đất nước đến lạ kỳ, đất nước hình chữ S nhỏ bé được tạo nên từ máu, nước mắt và sinh mạng của biết bao người. Ông là lính, mà lính là chiến đấu hết mình. Ngày ông bị lính Mỹ bắt ra Côn Đảo, ông cũng mạnh mẽ kiên trung, giữ vững ý chí. Dù bọn quân thù có tra tấn dã man, ông vẫn không khai lấy một lời, ông hay kể lúc đó ông gầy lắm, ông nghĩ mình có thể sẽ không qua khỏi, chỉ thương bà tôi cùng mấy chú mấy bác hiếm khi thấy mặt được cha. Ông hay xúc động, nhưng một niềm tin lúc ấy luôn thường trực trong ông là đất nước có ngày độc lập, bắc nam thống nhất một mối. Rồi ngày ấy, cái ngày tháng tư lịch sử, cả dân tộc thống nhất. Ông cũng được ra tù ngay sau ngày thống nhất. Ngày trở về, đoàn tụ vợ con, ông lại là chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Ông tăng gia sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chỉ với mấy sào ruộng cũng mấy mảnh đất ngoài nương bãi mà ông nuôi cả sáu đứa con khôn lớn, thành đạt. Tôi rất khâm phục ý chí kiên cường của ông, ý chí được tôi rèn trong môi trường quân đội để đến tận bây giờ, khi điều trị bệnh ông vẫn không từ bỏ. Tôi còn nhớ lúc điều trị hóa trị, khi tóc của ông như rụng hết, ông giảm gần cả mười kg, nhìn ông ai cũng xót. Ông vẫn lạc quan, vẫn tin vào điều kỳ diệu sẽ đến như niềm tin chiến thắng năm xưa. Cuộc đời mỗi người ai cũng trải qua bốn giai đoạn: sinh, lão, bệnh, tử, và ông tôi cũng không ngoại lệ. Ông cũng cố gắng hết sức chiến đấu với bệnh tật và nếu như một ngày nào đó, ông có không qua khỏi, ông vẫn hài lòng với những gì ông đã sống, cống hiến, và trải nghiệm. Đó là những ngày tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết nơi chiến trường bom đạn khói lửa, đó là những ngày đấu tranh ngục tù nơi mà người ta gọi là “ địa ngục trần gian”, đó là những ngày làm việc hăng say trên ruộng đồng, nơi giọt mồ hôi tạo nên bát cơm đầy. Khi nghĩ tới ông, tôi lại nghĩ về câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc phần ai” trong ca khúc “Một đời người, một rừng cây”, ông đã chọn cho mình phần việc gian khổ để cống hiến cho đất nước và cho những người mà ông yêu thương. Tình yêu nước là thứ mà tôi thấy luôn thường trực trong ông. Tình yêu ấy lan truyền qua bao thế hệ, và con cháu ai cũng cố gắng học hành, dựng xây đất nước. Ông tôi đã kết thúc đợt điều trị xạ trị. Bác sĩ cho ông về, bác sĩ nói với gia đình, hãy để ông ăn những món ông muốn, và đi những nơi ông muốn đi, chứ ông không còn sống bao lâu nữa. Các cô bác, các chú cùng ba tôi thương ông, lo cho ông , chăm sóc ông với chút ít hy vọng mong manh. Ấy vậy mà từ ngày ông ra viện, ông khỏe ra hẳn, ông trở lại với vui thú điền viên, chăm sóc cây cối trong vườn. Nhìn ông, ai cũng thấy thật an nhiên. Hiện giờ, các cháu vô Nam sinh sống và học tập nên hiếm có dịp về. Mỗi lần gọi điện hỏi thăm ông vẫn vui vẻ dặn các cháu đừng lo cho ông. Ông bảo ông ăn uống nhiều thứ bổ lắm, nên tăng cân, da dẻ hồng hào. Ông với bà nội vẫn khỏe nên dặn dò con cháu lo cố gắng học tập và làm việc thôi. Ông nội tôi luôn lạc quan như thế, sự lạc quan ấy là một phần trong con người ông, là một chỗ dựa tinh thần và là tấm gương suốt đời của con cháu. P.Vy.

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ”

      Một trong những câu nói về người Mẹ mà em rất tâm đắc. Mỗi chúng ta được sinh ra, được sống trên đời này đều nhờ vào sự vất vả, sự khổ đau của người Mẹ. Cả vũ trụ có rất nhiều người Mẹ tài giỏi, nhiều người Mẹ đẹp, nhiều người Mẹ đảm đang. Nhưng với em, Mẹ em vẫn luôn là người Mẹ tuyệt vời nhất.

      Khi còn nhỏ em không biết gì, khi lớn lên em được Ba Mẹ, Ông Bà kể lại hồi nhỏ em như thế nào. Ngay khi còn trong bụng Mẹ, em đã quấy Mẹ rất nhiều. Nhiều đêm khiến Mẹ không ngủ được vì những trận đạp bụng của em. Đến khi sinh ra cũng không giảm được phần nào sự vất vả cho Mẹ. Sức đề kháng yếu khiến em bị bệnh nhiều. Nhiều đêm Mẹ không thể chợp mắt vì những trận sốt đến nỗi lên cơn co giật của em. Có những đêm Mẹ và Ba phải chạy xe từ Biên Hòa đến Sài Gòn, đi kiếm các bác sĩ tài giỏi nhất để chữa bệnh cho em. Nghĩ rằng khi khi lớn rồi sẽ đỡ hơn. Nhưng không em vẫn làm Mẹ phải khổ sở. Khi Mẹ sinh em trai em, em của em cũng không khác gì em. Cũng khiến Mẹ em phải lo lắng, phải suy nghĩ nhiều về 2 chị em. Lớn rồi, em có phần tự giác giúp đỡ mẹ nhưng cũng không được gì. Vì tính cách của hai chị em em. Em đã lớn nhưng không chịu suy nghĩ trước những hành động, những lời nói, tính tình khó chịu nên nhiều khi khiến Mẹ phải buồn lòng, khiến Mẹ phải khóc vì em. Cả em em cũng vậy, đã lớn nhưng không phụ giúp Mẹ, còn quậy khá không chịu học hành để Mẹ phải lên gặp Thầy Cô nhiều lần. Mẹ em nhiều lần bị Thầy Cô mắng vốn vì hai chị em em. Ba em rất khó, nên những khi em làm sai chuyện gì, Mẹ đều bênh và che dấu cho em. Đến khi Ba biết thì Ba lại mắng lại giận Mẹ. Làm Mẹ phải khóc nhiều vì không biết tâm sự với ai. Những khi hai chị em em thi điểm kém hay bị Thầy cô mắng vốn, Ba không hiểu được sự khổ tâm của Mẹ mà chỉ đổ lỗi cho Mẹ không biết dạy hai chị em. Mẹ là người phụ nữ hiền dịu nhất em từng gặp, Mẹ không bao giờ cải lại Ba, chỉ ngồi nghe và nhịn để trong lòng. Đến khi Mẹ không chịu được thì Mẹ mới nói chuyện với Ba, nhiều đêm ở bên trong phòng em nghe tiếng khóc của Mẹ khi nói chuyện với Ba. Ba em đã khó tính như vậy, nhưng Bà nội em còn khó hơn. Vì ông ngoại em hy sinh từ khi em còn nhỏ, nên Bà Nội bao giờ cũng có thành kiến với Mẹ. Những lần hè về bà Nội lúc nào cũng nở nụ cười trên miệng, nhưng trong thâm tâm, bà không chấp nhận Mẹ em làm con dâu, cả hai chị em em cũng không được coi là cháu nội của Bà. Về nhà Bà nội, tính lười biếng của em, tính quậy phá của em em khiến Mẹ bị Bà nội nói 1 câu mà em nhớ suốt đời: “Ba nó mất khi nó còn nhỏ, không dạy được nó, nên nó không dạy được con”, đó cũng là lần đầu em nghe Mẹ nói 1 câu mà em không bao giờ nghĩ Mẹ có thể nói ra “Nhục như ch…”. Từ nhỏ đến lớn Mẹ chưa bao giờ lớn tiếng với 2 chị em em, từ bữa nghe được câu đó. Em biết rằng Mẹ đã rất tức giận và rất buồn. Do em là người không thích bộc lộ tình cảm với mọi người, nên khi học cấp 2 tới giờ em không bao giờ nắm tay, ôm hôn Ba Mẹ như những Bạn khác, đó là điều khiến Ba mẹ buồn và nghĩ em là đứa con vô tâm. Buồn nhất đó là Mẹ. Nhưng do em không thích thể hiện, em cũng không muốn Mẹ biết tình cảm của em. Nên em vẫn ương bướng, vẫn lười biếng, khiến Mẹ buồn. Dù phải làm như thế nào Mẹ cũng không than nửa lời. Mẹ rất đảm đang và siêng năng, luôn tay luôn chân không bao giờ nghỉ ngơi. Giờ Ba em đi công tác 2 tuần về một lần, em học trên này 1 tuần về 1 lần. Nhà chỉ có Mẹ và em em. Một mình Mẹ phải đưa đón, dọn dẹp nấu cơm, dạy em em học. Sự vất vả của Mẹ, em có thể hiểu nhưng em muốn giấu nó đi. Chỉ mình em biết. Cuối tuần em về, bận gì thì bận, nhưng em vẫn tranh thủ thời gian để chở em em đi sắm đồ để lên trường tiếp tục 1 tuần mới. Vì Ba không có nhà nên những chiều chủ nhật, dù trời mưa hay nắng, sớm hay tối Mẹ phải chở em từ dưới nhà lên đây. Nhiều lúc đưa em lên thì trời nắng nhưng trên đường Mẹ về  một mình thì lại dính mưa, ướt hết người, qua hôm sau thì Mẹ bị bệnh. Có những hôm Mẹ đau tay, lái xe khó khăn nhưng Mẹ vẫn cố chở em đến trường, đi cẩn thận để em không bị gì. Nhiều khi ở nhà, Mẹ bị bệnh nhưng vẫn giấu Ba, Mẹ chịu đau một mình. Vì không muốn Ba và em lo lắng. Mẹ luôn làm những gì tốt nhất cho Ba và con. Năm lớp 11, đó là lần đầu 2 tuần em không về nhà, tối đó Mẹ gọi điện thoại cho Ba khóc nói nhớ em nhưng khi em gọi Mẹ hỏi thì Mẹ kêu không có. Biết Mẹ giấu nên em rất buồn. Không biết phải an ủi Mẹ như thế nào, nhưng em vẫn muốn giấu tình cảm trong lòng. Nhiều lúc muốn nói một câu “Con xin lỗi” nhưng dường như đối với em rất khó nói. Cuối tuần về mẹ muốn ngủ với em, em không chịu, Mẹ muốn nói chuyện, tâm, sự với em, em không nói. Biết rằng Mẹ rất tủi thân vì con gái mình không như con những người khác. Nhưng Mẹ không trách mắng mà Mẹ vẫn chăm sóc, lo lắng cho hai chị em em từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Nhiều lúc vì quá bực mình, Mẹ mắng em, em giận lẫy Mẹ mấy ngày liền. Tuy em lớn những vẫn còn rất con nít, như các bạn trong lớp nhận xét. Những hành động, cách cư xử cửa em dành cho Mẹ quả thật quá ác, quá vô tâm. Nhưng không thể nào em làm khác được. Có câu: “Giang sơn dễ đổi. Bản tính khó dời”. Câu nói này em luôn lấy ra để biện minh khi Mẹ kêu em thay đổi tính nết. Từ nhỏ đến lớn, cả 2 chị em luôn khiến Mẹ phải buồn lòng nhiều, không bao giờ thôi nghĩ về hai chị em. Có đồ ăn ngon, có gì đẹp Mẹ đều để dành, mang về cho 2 chị em. Tấm lòng của Mẹ em vẫn luôn ghi nhớ, nhưng chỉ là chưa muốn bày tỏ nó. Điểm thi thấp em đã cố gắng rất rất nhiều, nhưng điểm thi của em không bao giờ cao được. Nếu báo điểm về chắc Mẹ em sẽ rất buồn. Em không biết cách khắc phục như thế nào. Từ trước giờ nếu có bài văn viết về gia đình thì em chưa bao giờ viết về Mẹ. Bữa nay Thầy đã cho em cơ hội để ghi về Mẹ em. Em cảm ơn Thầy.

      “Đi đến cuối cuộc đời, không ai có thể cho con được những bài học, những tình yêu thương như Mẹ được. Con xin lỗi vì con không như những đứa con khác. Vẫn mãi làm Mẹ buồn, mãi làm Mẹ khổ vì con, Con xin lỗi vì con không thể khắc phục những lỗi lầm mà con gây ra cho Mẹ. Con xin lỗi vì không thể thay đổi để có thể làm Mẹ vui. Con xin lỗi Mẹ nhiều lắm. Mẹ là người Mẹ tuyệt vời nhất của hai chị em con”. LTHA.

      “Mẹ” một tiếng gọi gần gũi, thân thuộc mà quá đỗi thiêng liêng. Trong một gia đình, Mẹ đóng vai trò rất quan trọng đối với mỗi người. Với tôi, Mẹ là tất cả, đặc biệt khi xa nhà, tôi mới thấm thía điều này. Tôi cần Mẹ trong cuộc đời này.

      Lúc tôi còn nhỏ, ở gần với Mẹ mỗi ngày, tôi thấy chán nản vô cùng chỉ muốn đi học ở xa để thoát mọi sự bó buộc của Mẹ. Mẹ kìm hãm mọi chuyện tôi làm. Muốn đi chơi phải xin Mẹ, muốn làm bất cứ điều gì cũng phải đợi, xin ý kiến của Mẹ. Điều này làm tôi rất ghét Mẹ, rất bực bội, nhiều khi tôi còn nghĩ giá như không có Mẹ thì tốt biết mấy. Ngày nào cũng gần Mẹ, sáng ra cũng thấy Mẹ, trưa đi học về, chiều tối về cũng thấy Mẹ, tôi thấy ngán ngẩm vô cùng. Mẹ thường la tôi những việc mà bản thân tôi thấy không đáng tí nào, nào là việc không rửa chén, chưa quét nhà, chưa lau nhà, chưa làm các công việc Mẹ giao. Về nhà gặp mặt Mẹ tôi cứ thích trốn vào phòng nằm nghe nhạc, online mặc cho Mẹ la, Mẹ chửi tôi vẫn cứ thích làm cho Mẹ tức lên, điều này làm tôi thấy vui. Lúc tôi còn học cấp 1, tôi không hề được gần gũi Mẹ nhiều cho lắm vì lúc đó nhà tôi không có điều kiện như bạn bè xung quanh, tôi thấy tủi thân, nhiều khi tôi nghĩ tại sao mình lại là con của Mẹ mà không phải là con của Mẹ bạn tôi. Bạn bè tôi có nhà riêng, có phòng riêng tôi thấy xấu hổ vô cùng, muốn được như bạn bè. Tôi về nhà đòi Mẹ phải có nhà, có phòng riêng cho tôi, lúc ấy tôi không hề hay biết nhà tôi không có điều kiện để làm những chuyện đó cho tôi. Tôi đòi mua quà mỗi lần Mẹ đi xa, mỗi chuyến Mẹ đi xa về đều không đủ trang trải cho gia đình mà lúc ấy tôi nào có biết, chỉ biết đòi hỏi, xin xỏ những cái ngoài khả năng của Mẹ. Ngày trước Mẹ tôi quá khổ, khổ về kinh tế, khổ về gia đình mà phải lo cho ba anh em tôi, tuy không đầy đủ nhưng cũng không hề thiếu thốn. Tôi còn nhớ, lúc tôi học lớp 6, nhà tôi có một cái trại lợp bằng tôn để ba tôi làm gara sửa xe, hôm ấy chỉ có tôi và em ở nhà, Mẹ thì đi làm. Buổi chiều ở quê tôi thường có lốc xoáy, hôm ấy gió lớn lắm, bay cả mái tôn trên nhà, tôi ôm em khóc, sợ hãi thật sự. Lúc đó tôi chỉ biết gọi Mẹ, gọi Mẹ trong nước mắt, tôi ước gì Mẹ về với tôi ngay tức khắc, tôi cứ nghĩ gió như thế này Mẹ sẽ không về. Nhưng Mẹ lo cho chị em tôi, lúc mưa to, gió lớn, tôn bay mà Mẹ vẫn đội mưa về. Lúc thấy Mẹ tôi hạnh phúc vô cùng, xua tan nỗi sợ hãi trong lòng. Mãi sau này khi tôi vào thành phố, mới đầu tôi vui lắm, sung sướng muốn điên lên vì nghĩ được xa Mẹ rồi, không bị Mẹ bắt buộc, gò bó, nhắc nhở, la mắng mỗi ngày nữa, tôi được sống một cuộc sống tự do. Vậy mà chỉ sau một tuần, tôi cảm thấy ngán ngẩm, nhớ Mẹ, tôi thấy thiếu đi cái gì đó rất quan trọng. Ngày trước tôi làm gì có thời gian để nghĩ về Mẹ, nhớ Mẹ. Mà bây giờ tại cái thành phố xa lạ này, với áp lực của môi trường sống mới, áp lực của học tập, tôi muốn được về với Mẹ. Nhiều đêm tôi khóc rất nhiều, tôi ước Mẹ đang ở gần tôi, ôm tôi như lúc ở nhà, để tôi được khóc trong lòng Mẹ, kể Mẹ nghe những gì đang xảy ra với tôi. Thật sự giờ đây, kinh tế Mẹ tôi đã khá hơn nhưng thật sự mà nói tôi muốn như ngày trước hơn, vì ngày trước tôi được gần Mẹ nhiều hơn. Mẹ đưa tôi vào thành phố, Mẹ chỉ mong tôi đậu đại học, điều Mẹ tôi mong mỏi nhất ở tôi. Tôi cũng rất cố gắng nhưng sao cứ bị sao nhãng, nhiều đêm nằm tôi nghĩ giá như mình chăm chỉ hơn, cố gắng hơn thì Mẹ đã không buồn vì kết quả học tập của tôi. Mẹ hứa sẽ mua những gì tôi thích nếu đậu đại học, điều này làm tôi thấy có lỗi vô cùng. Mỗi tháng Mẹ phải gửi vào đây gần chục triệu cho tôi, tôi bắt đầu thấy xót cho những gì Mẹ tôi bỏ ra. Qua kết quả lần này, Mẹ không hề la mắng tôi mà Mẹ chỉ động viên, khuyến khích tôi cố gắng học vì ba Mẹ đã khổ rất nhiều mới có được ngày hôm nay, mới có được cuộc sống dư giả - những thứ mà ba Mẹ tôi phải bỏ bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới có được.

      Càng nghĩ về Mẹ, tôi càng thấy có lỗi, tại sao tôi không làm Mẹ vui được lấy một lần về kết quả học tập. Mới đây Mẹ vào thăm tôi, bước ra khỏi trường gặp Mẹ, tôi ôm Mẹ, tôi rất muốn nói với Mẹ “con nhớ Mẹ nhiều lắm, con thương Mẹ nhiều lắm!” nhưng tôi ngại phải nói ra những chuyện này. Mẹ ôm tôi và hôn má tôi, tôi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc lắm, chưa bao giờ tôi cần Mẹ như bây giờ. Giờ nghĩ lại những năm tháng đã qua, tôi mới nhận ra rằng tất cả các việc Mẹ làm đều muốn tốt cho tôi, muốn tôi được sung sướng, muốn tôi được giỏi giang. Để không phải như Mẹ, cực khổ kiếm sống, tiết kiệm từng đồng để mua quần áo đẹp cho tôi. Mẹ chiều tôi lắm, muốn gì Mẹ cũng mua miễn là không quá khả năng của Mẹ. Những lúc làm biếng học tôi nghĩ đến Mẹ, tôi lại có thêm động lực để cố gắng. Giờ tôi tự hứa với lòng mình sẽ không làm Mẹ buồn, Mẹ khóc vì tôi nữa, đã nói thì tôi sẽ làm được. Mẹ là tất cả với tôi, là nơi bình an và hạnh phúc nhất của tôi trong cuộc sống này. NTDT-HS1.

Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, 
Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào, 
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. 
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu. 

Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. 
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. 
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. 
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ. 

Thương con thao thức bao đêm trường, 
Con đã yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao. 
Thương con khuya sớm bao tháng ngày. 
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn. 

Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền. 
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền. 
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm. 
Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên. 

Lòng Mẹ chan chứa trên bao xóm làng gần xa. 
Tình Mẹ dâng tới trăng ngàn đứng lặng để nghe, 
Lời ru xao xuyến núi đồi suối rừng rặng tre. 
Sóng ven Thái Bình im lìm khi tiếng Mẹ ru. 

Một lòng nuôi nấng vỗ về những ngày còn thơ. 
Một tình thương mến êm như tiếng đàn lời ca. 
Mẹ hiền sớm tối khuyên nhủ bao lời mặn mà. 
Khắc ghi bên lòng con trẻ muôn bước đường xa. 

Thương con Mẹ hát câu êm đềm, 
Ru lòng thơ ấu quản gì khi thức trắng đêm. 
Bao năm nước mắt như suối nguồn. 
Chảy vào tim con mái tóc trót đành đẫm sương. 

Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu. 
Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu. 
Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu. 
Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu.

                                     Tác giả: Y Vân

Nghe bài hát Lòng Mẹ...Tại đây.

      Trong cuộc đời này, người có công sinh thành và nuôi dưỡng ta là Mẹ. Từ lúc em được sinh ra Mẹ đã không quản khó nhọc để nuôi em khôn lớn. Lúc học mẫu giáo, trong lúc ba em đón trễ em đã bị chó cắn, khi đó em là người quan tâm, lo lắng, đưa em đi khám bác sĩ. Rồi cũng trong khoảng thời gian đó, em lại bị đụng xe Mẹ lại tiếp tục mệt mỏi chăm sóc em suốt đêm. Dần dần em lớn lên bắt đầu đi học, Mẹ hằng ngày phải chăm lo cho em từ việc học tập đến sức khỏe. Nhưng lên năm lớp 6, em đã làm một việc cho Mẹ buồn, đó là em làm kiểm tra môn toán chỉ được một điểm. Khi đó, Mẹ em rất giận, Mẹ đánh em rất đau, lúc đó em nghĩ là Mẹ ghét em lắm, nhưng khi sau khi đánh xong Mẹ lại lấy dầu bôi cho em lúc đó thì em mới nghĩ lại là Mẹ yêu em nhiều lắm. Rồi tiếp tục đến các năm tiếp theo của cấp hai, Mẹ lại tiếp tục khổ sở, lo lắng cho em. Đỉnh điểm là năm lớp 8, em lúc đó ngang bướng không nghe lời ai. Em nhiều lần bị mời phụ huynh, lúc đấy em có một vẻ mặt rất tỉnh, bỏ qua mọi thứ và không quan tâm. Rồi đến một ngày em nghe Mẹ khóc trong phòng khi đó Mẹ mới dần suy nghĩ lại. Thương Mẹ nhiều hơn, cố gắng chấn chỉnh lại việc học. Trong kì thi tuyển sinh em sẽ cố gắng hết mình để đạt được kết quả tốt để Mẹ được vui lòng. Nhưng em lại tiếp tục làm Mẹ thất vọng, khi biết được kết quả, em nhìn lại Mẹ, em thấy Mẹ buồn lắm. Mỗi năm trôi qua em thấy Mẹ ngày một già đi, lưng Mẹ cứ đau suốt nhưng em lại không có một lời hỏi han, quan tâm nào. Trong suốt ba năm cấp ba, em và Mẹ cãi nhau rất nhiều, giận nhau cũng rất nhiều. Lúc đó em cứ nghĩ là Mẹ bây giờ đã hết thương mình rồi, suốt ngày Mẹ cứ la mắng mình hoài. Khi được Ba và người trong gia đình nói thì em suy nghĩ lại. Tại sao mình lại bị Mẹ la, lại mắng mình? Lúc đó thì em biết rằng mọi việc Mẹ làm đều muốn em trở thành người tốt. Mẹ la, mắng em vì em còn quá bê bối, lười học, ham chơi. Năm lớp 10, trong một buổi tối, em bị lạnh khắp người, móng tay thâm tím, Mẹ liền chở em đi bệnh viện, lúc đó là 2 giờ sáng nhưng vẫn cố chở em đi cho dù ngày hôm trước Mẹ về nhà trễ. Suốt một tuần ở nhà trị bệnh thủy đậu không ai trong nhà tiếp xúc với em để không bị lây. Nhưng Mẹ ngày nào cũng vào phòng bôi thuốc cho em để mau lành bệnh. Bây giờ em nghĩ lại, mình đã làm cho Mẹ buồn nhiều quá rồi, Mẹ đã hy sinh sức khỏe của Mẹ để quan tâm, chăm sóc em từng ly từng tí một mà em lại không thể giúp Mẹ việc gì mà lại còn làm cho Mẹ lo lắng, Mẹ buồn thêm.

Nên năm nay em sẽ cố gắng học tập để có thể đậu được đại học, để Mẹ có thể được vui lòng. Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời, sức khỏe để chăm sóc em. Mẹ cũng đã rơi nước mắt rồi nên bây giờ em cũng không làm Mẹ buồn nữa.-VTHL-HS12-

      Cuộc đời ta sinh ra và lớn lên đã gặp rất nhiều người, rất nhiều thứ làm ta yêu thích, quý mến. Ta có thể thần tượng một ai đó, chẳng hạn như một người ca sĩ, diễn viên hay một cầu thủ bóng đá, ta có thể gặp ai đó rồi có một tình yêu thật sự. Nhưng tình cảm thiêng liêng nhất là tình cảm với người Mẹ - người đã sinh ta ra đời, tình cảm ấy cao quý đến nỗi không diễn tả được hết trong chữ “yêu” mà phải đo bằng chính hành động bên ngoài, suy nghĩ trong trái tim, trong tâm hồn mình.

      Ta có thể thích nhiều loại nhạc: K – pop, US – UK,... nhưng chỉ khi nghe đến những lời hát cất lên tiếng hát về Mẹ ta mới thật sự cảm thấy xúc động thì khi đó ta đang thật sự nghĩ về Mẹ. Trong xã hội ngày nay tại sao người phụ nữ, đặc biệt phụ nữ mang thai được chăm sóc, được ưu tiên lên hàng đầu? Đó là vì phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ trong suốt cuộc đời. Người phụ nữ phải mang nặng đẻ đau, chín tháng mười ngày, một khoảng thời gian khá dài để mang trong mình sinh linh bé nhỏ. Rồi khi đứa con chào đời, người phụ nữ lại chăm chút, yêu thương đứa con của mình, quan tâm bất cứ lúc nào, bất kể bao nhiêu thời gian cho dù khi con đã trưởng thành.

      Con lớn lên trong vòng tay của gia đình có đủ cả bố, cả Mẹ. Con cám ơn những ngày tháng tuổi thơ yên bình, khi được sống dưới đôi cánh của Mẹ, cám ơn cuộc đời vì đã cho con nhận được tình yêu to lớn của bố, cám ơn gia đình vì đã cho con một ngôi nhà có trái tim, có bố, có Mẹ, có tình yêu và sự kỳ vọng mai sau con lớn nên người.

Mấy ai trong cuộc đời dũng cảm nói lên tiếng nói thật lòng “Con yêu mẹ”, mấy ai có thể quay lại để báo đáp Mẹ Cha. Xã hội ngày nay với những hiện thực bi thảm, tình thương con người dường như không ấm áp như xưa. Đó là một điều đáng buồn và cần được cảnh tỉnh ngay lập tức.

Bà ngoại đã từng nói với con “bây giờ con còn nhỏ chưa biết lo nghĩ gì nhưng đến khi con lớn lên, trải qua cuộc đời của một người phụ nữ, làm vợ, làm Mẹ con mới có thể hiểu hết được sự vất vả của mẹ”. Bây giờ nghĩ lại, con lúc đó đúng là chưa khôn lớn và bây giờ con cũng chưa thực sự trưởng thành nhưng con đã cố gắng hiểu một phần nào sự vất vả của Mẹ.

Con là một người hay suy nghĩ và đặc biệt hay nghĩ theo hướng bi quan. Nên lúc đầu rời xa Mẹ con lo sợ rất nhiều. Cũng có lúc hồi còn nhỏ, khi nửa đêm giật mình thức giấc con thấy Mẹ ngồi đan áo, chăm chú làm công việc của mình. Rồi có những lúc con bị bệnh nằm ngủ mê man nhưng vẫn không thể nào lầm được cảm giác bàn tay Mẹ áp lên trán con xem con đã hạ sốt chưa, những hình ấy làm sao mà con quên được. Còn bao nhiêu việc mà Mẹ còn đang âm thầm làm vì con mà con không hề biết. Hồi cấp hai, con lười học lắm, con chỉ nghĩ mình học bình thường là được. Mẹ cũng nói với con: “con phải cố gắng học chứ không sau này sẽ hối hận”. Lúc ấy con ấu trĩ quá Mẹ ạ, con chưa hiểu hết lời Mẹ nói. Đến khi học xa nhà con mới hiểu những lời Mẹ nói, con mới thực sự thương Mẹ, nhớ Mẹ. Mẹ ơi! Hồi nhỏ con vô tâm quá, đã xem nhẹ tình yêu thương của Mẹ, coi tình cảm đó là hiển nhiên,  con ngốc quá Mẹ à. Lên đây học con mới biết cảm giác nhớ tiếng Mẹ gọi “con gái”, nhớ cảm giác được ôm Mẹ, cảm giác sao mà nhớ quá.

Nhà mình không nghèo nhưng cũng không giàu có. Nhưng Mẹ lại đầu tư cho con tất cả. Số lần con mua quần áo mới còn nhiều hơn số lần Mẹ mua đồ. Lúc nào trên bàn ăn cũng nấu theo khẩu vị của con – vị ngọt trong khi bố Mẹ thích vị mặn.

Con sống trong môi trường mới, mới biết nhớ nhung những ngày ở gần gia đình. Con phải tự đối mặt với nhiều khó khăn, bệnh tật, chuyện ở trường lớp, chuyện bạn bè lắm lúc làm con suy nghĩ. Mẹ ơi! Những lúc đó là những lúc tinh thần con yếu nhất. Con chỉ biết bật khóc và muốn về với gia đình mà thôi. Nhưng mà con chỉ khóc một lúc thôi vì con còn mang trên mình sự tin tưởng và sự kỳ vọng của bố Mẹ. Hồi nhỏ con từng nghĩ mỗi lần con điểm thấp tại sao bố Mẹ lại buồn. Có lần học lớp bốn con bị điểm 8 môn toán, Mẹ mặt buồn rười rượi, la con rất nhiều. Lúc ấy con cũng bực nhưng sau đó là buồn, điểm số ấy là của con, cuộc đời cũng là của con. Nhưng chính con đã bao lần làm cho Mẹ thất vọng. Mẹ đã dành tình yêu cao cả cho con nên mới buồn khi con điểm thấp mà đáng lý ra lúc ấy con phải buồn mới đúng.

“Phải biết mất đi cái gì rồi mới biết hối hận”, con cũng vậy Mẹ à. Rời xa gia đình, mái nhà thân thương con mới khao khát được sống lại những ngày tháng không lo không nghĩ. Mỗi khi ở trường nội trú, con gọi điện thoại cho Mẹ, con nói lời yêu thương với Mẹ, con làm nũng với Mẹ. Bạn bè con hỏi sao con nói được như vậy, con chỉ cười và con nghĩ đó là điều bình thường. Có gì phải ngại khi bộc lộ tình yêu thương của mình với Mẹ ra bên ngoài. Con nói chuyện điện thoại với Mẹ mà lắm lúc con bật khóc, lúc ấy chỉ vì nghe tiếng dặn dò uống thuốc của Mẹ, hay khi Mẹ chỉ nói “con gái của Mẹ cố gắng lên, Mẹ tin tưởng con” cũng làm con rơi nước mắt.

Mỗi lần về nhà là con không muốn lên nữa. Cho chỉ muốn được ở nhà mãi mãi ở nhà mà thôi. Nhưng con biết cuộc đời sau này con phải tự bước trên đôi chân của mình để không phụ sự kỳ vọng Mẹ vậy con mới có thể đương đầu với khó khăn. Con tin dù cả thới giới này quay lưng lại với con thì vẫn có Mẹ luôn đứng bên con, yêu thương con.

Tình yêu của Mẹ không cần dùng lời thơ, lời hát để diễn tả, vì không có bất cứ điều gì có thể nói hết được tình cảm ấy. Tình cảm của con với Mẹ có thể không ai biết nhưng con chỉ cần Mẹ hiểu được tình cảm của con thôi. Con cám ơn cuộc đời vì đã cho con có Mẹ, vì đã cho con cảm nhận được tình yêu của Mẹ, vì đã cho con được yêu Mẹ.-TTQN-HS12-

      Mỗi con người trên cuộc sống này ai ai cũng có một người Mẹ. Mẹ là người mang nặng, đẻ đau để sinh ra ta, Mẹ là người đã nuôi nấng ta từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành. Đối với tôi Mẹ là tất cả, Mẹ đã chăm sóc cho ta từng miếng ăn giấc ngủ, những lúc đau ốm Mẹ từng thức suốt đêm để canh tôi, từ lúc bước vào lớp một Mẹ là người đã chuẩn bị cho tôi từng cây bút, quyển tập cho đến những thứ mà cô giáo dặn dò. Mỗi buổi sáng đi học Mẹ đều thức dậy sớm để chuẩn bị quần áo và thức ăn sáng để cho tôi rồi đưa tôi đi học. Những lúc đi học về Mẹ đều hỏi hôm nay học hành ra sao, có điểm mười nào không, điều đó cho thấy Mẹ rất lo lắng cho việc học của tôi. Từ khi bước vào cấp hai, vào một môi trường mới làm cho tôi thay đổi nhiều hơn trước, không có sự quản lí chặt chẽ của Ba Mẹ, việc học có phần nào sa sút. Cùng với sự rủ rê của bạn bè tôi thường xuyên đi chơi và bỏ bê việc học. Mẹ đã nói với tôi rất nhiều lần, lo cho việc học để sau này còn lo cho tương lai của mình nhưng những lúc đó tôi lại chỉ nghe lời Mẹ vài ngày rồi lại tiếp tục đi chơi. Rồi một lần nọ Mẹ đánh tôi và Mẹ đã khóc rất nhiều. Từ lúc thấy Mẹ khóc vì mình tôi thấy rất hối hận vì đã làm Mẹ khóc, đã làm những giọt nước mắt của Mẹ chảy ra và từ lúc đó tôi đã hứa với lòng là phải cố gắng học tập, không lo chơi bời bỏ bê học tập nữa, sẽ không bao giờ để Mẹ phải khóc vì mình nữa. Từ khi xuống thành phố học tôi thấy tình cảm của Mẹ dành cho tôi rất nhiều. Mẹ làm việc cực khổ kiếm từng đồng tiền để đủ đóng học phí cho tôi. Cuối tuần được về nhà mẹ đều làm những món ăn ngon cho tôi, không thì Mẹ dẫn tôi đi ăn những món tôi thích. Lúc Mẹ chở tôi đi, ngồi phía sau ôm Mẹ tôi cm thấy rất ấm áp và hạnh phúc. Tình cảm của Mẹ thật lớn lao, không có gì có thể sánh bằng. Nhiều lúc tôi muốn ngồi tâm sự với Mẹ rất nhiều chuyện nhưng tôi cảm thấy sao mà khó quá, dường như giữa tôi và Mẹ có một khoảng cách khó gần. Nhưng tôi rất thương Mẹ, không có ai quan tâm, lo lắng cho tôi như Mẹ hết. Tuy nhiều lúc tôi làm những chuyện khiến Mẹ bực mình, Mẹ la nhưng tôi biết mẹ lo lắng cho tôi nên mới la. Tôi cũng thấu hiểu được sự nhọc nhằn trong công việc của Mẹ, nhiều lúc tôi thấy Mẹ mệt mỏi nhưng tôi cũng không biết làm thế nào để giúp Mẹ. Chỉ biết học tập chăm chỉ để mang kết quả cao về để cho Mẹ thấy vui, lúc đó sẽ làm vơi đi phần nào nỗi nhọc nhằn của Mẹ. Mẹ là nguồn động viên lớn nhất của tôi, mỗi khi gần tới kì thi Mẹ đều gọi điện hỏi han tôi học hành ra sao, phải ăn uống đầy đủ để có sức khỏe tốt để mà có thể thi cử tốt được. Mỗi lần tới kì thi Mẹ đều khuyên tôi cố gắng lo cho việc học, năm nay là năm cuối cấp, cố gắng học tập để thi đậu đại học và không uổng phí mười hai năm đi học vất vả. Những điều Mẹ dặn tôi đều ghi sâu vào lòng và lấy làm động lực để học hành và không làm Mẹ phụ lòng. Mẹ là trụ cột của gia đình tôi, tất cả công việc nhà đều một tay Mẹ làm từ việc nấu ăn, giặt đồ,... đến việc kinh tế Mẹ đều làm hết. Tôi hiểu sự vất vả của Mẹ, đi làm về mệt mà còn phải lo công việc nhà, nhưng nếu không có Mẹ cuộc đời này sẽ không còn ý nghĩa nữa. Mẹ đã hy sinh cuộc đời mình để lo cho gia đình, con cái, trong nhà mà không có cuộc sống tốt. Tôi còn nhớ, có lần tôi giấu Mẹ trốn học đi chơi, Mẹ biết cả, nhưng khi về nhà Mẹ đã không nói gì với tôi, nhưng tôi biết Mẹ đã rất buồn. Đêm đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều và tôi đã xin lỗi Mẹ, nhưng tôi thấy Mẹ đã không còn vui như trước nữa. Tôi cảm thấy rất có lỗi, và từ ngày đó tôi không bao giờ giấu Mẹ đi chơi nữa. Đã nhiều lần tôi muốn nói với Mẹ là con yêu Mẹ lắm nhưng tôi không đủ can đảm để nói lên, vì từ nhỏ tới lớn lên tôi chưa bao giờ nói với Mẹ những từ như thế. Nhưng năm lên mười một, ngay ngày Quốc tế phụ nữ tôi đã nhắn tin chúc mừng Mẹ và tôi đã nói lên được ba từ “Con yêu mẹ!” Tôi cảm thấy rất vui vì tôi đã nói lên hết tình cảm của mình dành cho Mẹ, tôi rất hạnh phúc khi có người Mẹ luôn lo lắng cho tôi. Tôi hứa với lòng mình rằng tôi sẽ cố gắng học tập để thi đậu đại học để đền đáp công ơn Mẹ đã dành cho tôi muốn nói cho tất cả mọi người biết rằng là: “CON YÊU MẸ NHIỀU LẮM!!!”-NTKN-HS12-

      Trên thế gian, không có kì quan nào, vẻ đẹp nào đẹp và quý giá bằng trái tim người Mẹ. Chỉ có Mẹ, người duy nhất yêu thương con hơn cả bản thân mình. Chín tháng cưu mang trong bụng, mang nặng đẻ đau, Mẹ chịu đựng để dành cho con những gì tốt đẹp nhất. Vì vậy, cuộc đời ai còn Mẹ là hạnh phúc, mất Mẹ rồi bất hạnh cả đời con. Đạo hiếu là đạo làm con, kinh phật cũng từng nói:

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ,
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha.
Nước biển mêng mông không đong đầy tình Mẹ,
Mây trời lồng lộng không phủ kín tình Cha.
Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn,
Mang cả tấm thân gầy Cha che chở đời con.
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không!

Vâng, đừng để buồn lên mắt Mẹ chính là bn phận của con. Mẹ ơi! Mỗi ngày con lớn lên một chút, thì nỗi lo âu của Mẹ tăng thêm một phần, lo sợ con bước ra đời có khó khăn hay không, sợ con vấp gã, sợ con đau lòng, những trăn trở của Mẹ có lẽ bây giờ con đã hiểu một phần. Ngày con mở mắt chào đời, tiếng khóc cất lên, chính là lúc Mẹ mm cười hạnh phúc dù cho cơn đau đang giằng xé cơ thể Mẹ. Những đêm con ốm đau, Mẹ lo lắng trăm bề, đêm khuya thức giấc Mẹ hát ru con ngủ. Mẹ biết không, lời ru của Mẹ hay hơn bất kể những bài hát tồn tại trên thế giới này. Tình yêu thương của Cha và Mẹ không có gì sánh bằng. Bước đi đầu đời, con ngã Cha dìu dắt, bước đi thứ hai Mẹ ở kề bên con. Con còn nhớ ngày đó con té rất đau nhưng Mẹ vẫn kiên trì tập cho con, Mẹ xoa dịu cơn đau trên đôi chân, xoa dịu luôn cả cơn sợ hãi. Không chỉ riêng con bước đi bởi đôi chân mà Mẹ luôn kề bên con trên bước đường đời. Thuở nhỏ, con hay khóc nhè, hay nghịch phá làm khổ Mẹ, mà Mẹ vẫn yêu thương dạy dỗ, không một chút bực bội, đêm thức canh thâu Mẹ nghĩ về ngày mai cho con ăn gì, dẫn cho đi đâu, con mặc đồ gì,...? trăm nỗi lo âu chồng chất trong lòng Mẹ. Chiếc giường bên góc nhà, Mẹ dành trọn cho con, bên ướt Mẹ nằm, bên ráo con lăn, tất cả Mẹ đều dành cho con. Nhưng cuộc đời đâu có gì là hoàn hảo, tình cảm Mẹ cho con nhiều đến thế vậy mà lúc ấy con có hiểu chăng. Một nỗi trăn trở con giữ trong lòng suốt bảy năm nay, hôm nay con mới thổ lộ lòng mình. Mẹ còn nhớ, cái ngày rằm tháng bảy năm con mười tuổi, đêm đó con diễn văn nghệ ở chùa nhằm ngày báo hiếu Vu Lan, xung quanh bạn bè tự thay đồ, riêng con có Mẹ đứng kề bên. Lúc ấy con cảm thấy mình như khác biệt, bạn bè tự thay trang phục được thì con cũng thay được, con không cần Mẹ giúp. Vậy mà lúc Mẹ đến thay đồ cho con, một tiếng la lớn làm im lặng cả phòng thay trang phục: “Con tự thay được, Mẹ đi ra ngoài đi”, thế rồi Mẹ lặng lẽ bước ra, dòng lệ Mẹ rơi mà con không hề hay biết. Đến bây giờ con mới biết hôm ấy Mẹ khóc nhiều lắm, khi con trên sân khấu Mẹ vẫn đứng một bên cánh gà nhìn theo con, Mẹ mỉm cười khi con nhìn Mẹ, có lẽ vì vậy mà con vô tư, không nghĩ đến chuyện trong phòng thay đồ. Đêm về bất chợt con thấy Mẹ ngồi khóc trong phòng ngủ, cánh cửa he hé, con nhìn thấy giọt nước mắt Mẹ rơi, bỗng nhiên con cảm thấy có lỗi, nhưng vì khoảng cách xa hay lòng con non trẻ mà con không thể bước vào phòng xin lỗi Mẹ. Đến ngày hôm nay, một đứa con gái bất hiếu của Mẹ, con muốn nói “Mẹ ơi! Con xin lỗi “. Có lẽ Mẹ không nhớ nhưng câu nói này con chôn cất suốt bảy năm qua. Ngày ngày Mẹ dầm mưa dãi nắng, Mẹ bon chen với chợ đời để lo cho con từng miếng cơm manh áo, Mẹ không để con thua kém bạn bè. Vậy mà tính tình bồng bột con vẫn không thể bỏ. Năm con học lớp sáu, lớp bảy, chính là khoảng thời gian hai năm nhưng mang lại cho Mẹ biết bao nỗi đau, Mẹ bị tổn thương rất nhiều, con biết điều đó. Vì đó là khoảng thời gian con đua đòi với bạn bè, nghịch phá, quậy lớp, phá trường, tiền Mẹ cho đi học con lại đem đi chơi. Thời gian Mẹ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời con lại là lúc con ăn chơi cùng bạn bè. Một đứa con gái không thùy mị, nết na như Mẹ mong đợi, đứa con gái bất hiếu làm Mẹ khóc bao đêm. Người ta cứ chỉ trích Mẹ không biết dạy con cái, đến một ngày chuyện không hay xảy ra với Mẹ thì Mẹ lại im lặng, Mẹ không đánh con thường xuyên như trước nữa. Nước mắt Mẹ dường như đã cạn đi dần, con thấy khó chịu tự nhiên muốn giết bản thân mình đi. Từ hôm ấy con tự hứa với lòng không làm Mẹ khóc nữa, con cố gắng hoàn thiện bản thân, những điều Mẹ muốn con không thể thực hiện hoàn hảo nhưng con đã đỡ đi chút nào, và Mẹ bớt khổ, đó là nguyện vọng của con cho đến bây giờ. Con hứa sau này cố gắng làm nuôi Mẹ, không để Mẹ khổ nữa. Thật sự lòng con bây giờ chỉ muốn ôm Mẹ vào lòng và nói “Con yêu mẹ”. Đó là mong muốn chưa bao giờ con làm được. Mẹ ơi! Hãy hứa với con, giữ gìn sức khỏe, đừng làm khổ bản thân nữa, Mẹ khổ vì con, vì Cha xưa nay nhiều lắm rồi. Một lần nữa con chỉ muốn nói lời xin lỗi từ tận đáy lòng con “Con xin lỗi Mẹ nhiều lắm”. Nhiều lúc con tự hỏi, tại sao mặt bạn trai nổi mụn con quan tâm, còn trán Mẹ thêm nếp nhăn con lại không nghĩ đến, tóc bạn trai dài thêm một chút con đều biết mà tóc Mẹ thêm sợi bạc con chẳng hề quan tâm. Đó là lỗi lầm con tạo ra, con muốn bên Mẹ mãi, Mẹ biết không.

Đó là những gì con muốn nói Mẹ biết. Năm con mười lăm tuổi, bước lên Sài Gòn tự lập, con đã hiểu ra rồi, Mẹ yên tâm nhé! Con luôn nhớ lời Mẹ dạy, không làm Mẹ thất vọng nữa. Mà Mẹ biết không, con hãnh diện với bạn bè khi có Mẹ lắm, Mẹ đẹp, Mẹ giỏi mà nhân hậu nữa. Ngày tháng con về nhà, được ôm Mẹ ngủ, ăn cơm Mẹ nấu, tập thể dục cùng Mẹ, phụ Mẹ làm việc nhà. Những gì con nói, con làm cùng Mẹ, con sẽ luôn quý trọng, luôn khắc ghi trong trái tim, để làm động lực sau này khi bước vào đời. Một đứa con gái hiếu thảo với Mẹ giờ đã xuất hiện chứ không còn là đứa con bất hiếu nữa. Mẹ cười lên Mẹ nhé! Con yêu Mẹ nhiều lắm. Yêu Mẹ hơn tất cả những gì có trên trái đất này. Vì Mẹ là Mẹ của con.

Con gái của mẹ!-TTTK-HS12-

      Thật hạnh phúc biết bao khi em được sinh ra và lớn lên bằng dòng sữa ngọt ngào và lời ru ấm áp đầy tình thương của Mẹ. Người luôn động viên, sát cánh và che chở cho tôi lúc tôi buồn, tôi vui. Đó là người phụ nữ tuyệt vời nhất trong lòng tôi. Không có gì quan trọng hơn người Mẹ. Mẹ là một từ tuy hết sức ngắn gọn nhưng rất thiêng liêng. Bước vào Sài Gòn học ba năm với một cảm giác lạ lẫm, xa lạ và thiếu thốn tình cảm của gia đình, nhất là tình cảm của Mẹ. Hình ảnh của Mẹ luôn hiện ra trong tâm trí tôi và là động lực rất lớn đối với tôi trong học tập và công việc. Sinh ra trong gia đình có bốn chị em gái và là con út trong nhà nên được nhiều tình thương nhất trong nhà, có lỗi nhỏ hay nghịch ngợm thì Mẹ luôn bỏ qua và tha lỗi cho tôi. Nhưng bây giờ thích được bị mắc lỗi để được Mẹ vuốt ve, tha thứ nhưng đó chỉ là khi mỗi ngày được gần Mẹ. Tuy ở xa Bố Mẹ, không được nhìn thấy Bố Mẹ nhưng nghe được giọng nói ngọt ngào, ấm áp là rất hạnh phúc sau một ngày học tập mệt mỏi. Từ nhỏ đến lớn lúc nào cũng nói với Mẹ rằng con sẽ luôn ở bên Bố Mẹ, không đi đâu hết nhưng mới đó đã ba năm học trong Sài Gòn. Buồn và nhớ Mẹ lắm nhưng phải cố gắng học tập để không phụ lòng Mẹ và không làm Mẹ buồn. Em là một người luôn làm Bố Mẹ lo lắng, mỗi khi như vậy thì làm Mẹ buồn, suy nghĩ. Nhìn lại bản thân thật là xấu hổ, còn rất nhỏ chưa bước ra đời, chưa làm gì cho Mẹ mà luôn làm Mẹ lo lắng, nghĩ lại thấy mình thật tệ.

      Mỗi năm chỉ được về quê một lần vào dịp Tết, một khoảng thời gian rất ngắn nhưng đối với em nó hết sức ý nghĩa và hạnh phúc vô cùng đáng trân trọng. Không còn từ nào để diễn tả cảm giác ấy, được Mẹ nấu những món ngon cho ăn, được ôm Mẹ ngủ say, được Mẹ cưng chiều. Từng ngày trôi qua là sự nối tiếc dù không phải là quá nhiều nhưng đối với em đó là khoảng thời gian quý báu nhất về gia đình và về Mẹ. Em còn nhớ, khi học ở trường HĐ, ngày đầu tiên khi tan học về vì lí do bận việc nên chị rước em trễ. Đứng trước trường một giờ đồng hồ, với cảm giác lẻ loi, bỡ ngỡ không hiểu sao lại nhớ đến Mẹ, nhớ lúc khi còn ở quê, từ lớp 1 đến lớp 9 luôn được Mẹ rước đúng giờ tự dưng lại rưng rưng nước mắt. Lúc đó nhìn người qua lại mà ước gì Mẹ đang trên đường tới rước mình, dù có muộn cũng chờ tới khi Mẹ tới nhưng đó chỉ là sự tưởng tượng mơ hồ của một đứa như mình. Mỗi khi ở trường có chuyện gì thì tôi luôn kể cho Mẹ nghe, luôn tâm sự với Mẹ. Mẹ luôn dạy bảo, khuyên tôi sống tốt và cố gắng học tập. Các bạn ơi, đừng bao giờ làm Mẹ buồn, Mẹ khóc các bạn ạ! Thay vào đó là luôn làm Mẹ cười, khi nhìn thấy Mẹ cười thì mọi khó nhọc, lo lắng hay sợ hãi đều tan biến hết. Thương sao bàn tay chai sạm của Mẹ đã tảo tần vất vả làm lụng để lo cho gia đình. Đôi mắt đen huyền chứa đầy tình yêu thương, ẩn sau đôi mắt ấy là sự u sầu, lo toan cho gia đình, con cái. Khi bị bệnh, tuy rất mệt nhưng thật ấm áp khi được Mẹ chăm sóc, nhìn vào đôi mắt đầy tình thương và mong con hết bệnh.

Tình Mẹ thật bao la như biển cả. Con xin lỗi vì đã làm Mẹ buồn, Mẹ khóc. Con mong Mẹ sống thật lâu để cùng con đi tiếp chặng đường đầy khó khăn phía trước, Mẹ nhé! Những ai còn Mẹ thì hãy yêu thương và trân trọng người phụ nữ này vì thời gian không bao giờ quay lại.-TTTT-HS12-