Khi ấy gia đình tôi vẫn còn nhiều khó khăn, hơn nữa lại còn đông anh chị em, nên mọi cái đều thiếu thốn cả. Chị kế tôi là người ốm yếu nhất trong gia đình, nhưng lại là người giỏi giang và chăm chỉ nhất trong các anh chị em chúng tôi. Chị tôi học giỏi đến nỗi, chỉ một năm mà lại được lên ba lớp. Là sự thật không đùa đâu. Khi chị học lớp một, thì chỉ học có một học kỳ, rồi được chuyển lên lớp hai, không lâu sau lại được chuyển lên lớp ba. Thế là chỉ trong vòng một năm chị đã học liên tục ba lớp, bằng người ta học ba năm trời. Ấy là chuyện của ngày xưa thôi cái thời kỳ mà con chữ vẫn còn khan hiếm.
Giờ mỗi khi nhớ lại thì thật thương chị tôi lắm!... Dù vẫn còn rất nhỏ nhưng chẳng bao giờ nghe chị nói rằng sẽ từ bỏ việc học cả, mà có ai nói gì thì sẽ nhận được câu trả lời rằng "Phải học thì mới thay đổi được cuộc sống chứ". Thật vậy, chị tôi đã chọn lấy con đường học vấn không giống với một ai trong thôn xóm nơi tôi đã sống cả. Thật lòng mà nói lúc bấy giờ quê tôi vẫn có tư tưởng trọng nam khinh nữ nên, con trai thì cho học cao, con gái thì nghỉ sớm chứ học làm gì, sớm muộn gì cũng là con của người ta.
Tuy nhiên bởi sự kiên quyết của Mẹ tôi và sự cố gắng của chị tôi mà cuộc sống chị tôi giờ đây trở nên tốt đẹp hơn biết bao nhiêu.
Trong thời gian chị đi học, ngoài sự chu cấp của mẹ, chị còn tự mình tìm kiếm thêm để có đủ tiền lo chi phí. Chị đã phải nhịn nhục trong sự thiếu thốn hơn tất thảy mọi người. Nhưng bù lại tất thảy những sự ấy, chị đã cho Mẹ tôi sự tự hào, sự hãnh diện, và cho bản thân mình một chuyên môn giỏi giang. Giờ đây chị là một bác sĩ giỏi. Dẫu rằng kết quả không phải là cao siêu gì, nhưng điều đó đã được đánh đổi bởi tất thảy sự nỗ lực và sự nhịn nhục của chị tôi, thậm chí cả những giọt nước mắt buồn tủi mà gia đình tôi không hề hay biết.
Thật, tạo hóa rất công bằng và sẽ trả công tương ứng với những gì mà mỗi chúng ta đã nỗ lực.
Dòng chảy thời gian thật đáng sợ, nó có thể lấy đi những người mình thân yêu một cách dễ dàng nhất và cũng chính dòng chảy này khiến tôi mất đi vĩnh viễn người bà thân yêu của mình. Dẫu biết rằng đó là một quy luật tự nhiên của cuộc sống, nhưng tôi vẫn chưa thoát khỏi sự đau thương khi ai đó bất chợt nhắc về bà của mình.
Với những đứa trẻ thơ, có lẽ hình ảnh người bà là gần gũi nhất vì bà luôn yêu thương chúng ta vô điều kiện, không một lời trách mắng, cũng chẳng một trận đòn roi. Hình ảnh bà nội tôi hiện lên trong tâm trí tôi một cách lung linh ấm áp như thế đấy, dịu hiền như một bà tiên giáng trần. Nội của tôi là thế, người sống cực kì đơn giản như cái cách mà Nội thể hiện tình yêu thương đối với cháu của mình. Tình yêu thương của Nội chưa bao giờ làm tôi cảm thấy bị ngột ngạt, bất cứ khi nào tôi gặp áp lực trong công việc hay cuộc sống, bên cạnh tôi luôn có Nội im lặng lắng nghe và vỗ về, ủi an tôi bằng những cái xoa đầu dịu dàng.
Cuộc sống chiến tranh ngày xưa quá vất vả đã lấy đi mất tuổi thanh xuân tươi đẹp của Nội mà ngay đến khi ở cái tuổi gần đất xa trời, Nội vẫn mang trong mình hình hài nhỏ bé, khắc khổ. Dù năm tháng chiến tranh đã đi qua, nhưng có lẽ tàn dư mà nó để lại không thứ gì có thể bù đắp lại được, cũng chính cuộc chiến tranh đau thương ấy đã lấy đi vĩnh viễn người người chồng yêu thương của Nội khi ba tôi và các bác còn quá nhỏ. Chiến tranh khắc nghiệt là thế nhưng đã bao giờ Nội tôi để cho con mình thiếu thốn thứ gì đâu. Dường như nỗi đau ấy đã khiến người phụ nữ này trở nên mạnh mẽ hơn, gồng gánh mọi thứ để con cái mình có được những giấc ngủ trọn vẹn trong những trưa hè oi bức hay cả những ngày trời đông giá rét tưởng như muốn cắt da thịt.
Hòa bình lặp lại, cũng chính là lúc Bà đã không còn đủ minh mẫn nữa, cũng dễ hiểu thôi, cuộc sống này quá khắc nghiệt đã biến từ một người phụ nữ kiêu hãnh trong xã hội cũ trở thành một bà nông dân quèn, vắt kiệt sức lao động của Bà.
Nhưng ông Trời không phụ ai bao giờ, con cái Bà lớn lên đều khỏe mạnh và nên người chính là lúc bà được nghỉ ngơi ở phần đời còn lại.
Mới đó mà đã tròn một năm ngày Nội xa rời chúng tôi. Đến hiện tại, tôi vẫn chưa thôi nhớ về Bà và tôi vẫn chưa biết được khi nào mình sẽ quên được nỗi đau này. Vòng xoáy thời gian chẳng từ bỏ ai bao giờ, có lẽ đã đến lúc tôi phải tự đi trên đôi chân của mình, tự mình giải quyết khó khăn mà mình gặp phải. Không phải tôi không cần Bà nữa, nhưng có lẽ, Bà tôi vất vả nhiều rồi, cũng đã đến lúc Bà được nghỉ ngơi và tề tựu cùng Ông ở trên trời.
Một góc nhỏ sâu thẳm trong tim của con, luôn có bóng dáng của Bà, Bà vẫn cứ yên tâm Bà nhé! Vì con biết rằng, mỗi bước chân con đi trên cuộc đời này, đều có bà thầm lặng dõi theo con.
Khi chúng ta đi đến bất cứ nơi đâu cũng vậy, sẽ có một nỗi nhớ nhung luôn kêu gọi trong tấm lòng của mỗi chúng ta. Đã luôn luôn như vậy với bất cứ là ai. Chúng ta đã có nghĩ đến sự kêu gọi đó là gì chưa? Ấy chính là quê hương.
Tính đến nay, tôi xa quê cũng đã gần chín năm rồi. Trong suốt những năm ấy, mỗi khi tôi được trở về thăm quê thì tấm lòng thật đầy tràn niềm vui, và cứ muốn được lưu lại thêm ít lâu nữa. Thế thì vì sao vậy, vì sao quê hương lại là nơi mà khi đi xa thì lòng nhung nhớ quá như vậy chứ? Chúng ta có bao giờ suy nghĩ đến điều đó chăng? Tôi chỉ suy nghĩ rằng, có lẽ bởi nơi ấy có Cha, có Mẹ, có các anh em, chị em, có những cảnh vật, những con người mà mình đã được gần gũi cùng nhau trong khoảng thời gian dài, và cũng là nơi đã chan chứa những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ, nên mỗi khi xa thì lòng thật vương vấn và thấy nhớ nhung.
Được nhớ nhung quê hương mỗi khi xa đối với tôi chính là một sự hạnh phúc rồi. Tuy nhiên, tôi có một kỷ niệm tưởng chừng như thật hy hữu nhưng nó lại là một sự thật hết sức cảm động thay. Cách đây không lâu, tôi đươc gặp gỡ và quen biết một người bạn. Tôi kêu bạn là chị dù tuổi tác thì bằng nhau. Ban đầu chị không nghĩ rằng chị lại là một cô bé đã bị thất lạc Cha Mẹ từ nhỏ đâu. Chị đã được nuôi dưỡng bởi lòng thương xót, và chị đã từng ngày lớn lên trong sự thương xót ấy. Cha Mẹ mà từ bấy lâu nay vẫn yêu thương và lo lắng cho chị, chị đã luôn nghĩ rằng ấy chính là Cha Mẹ ruột của mình. Cho đến một ngày, bất ngờ, từ đâu không rõ lại có một giọng tiếng thật tha thiết cùng với tiếng gõ cửa trước nhà mình. Ấy là một người đàn ông dáng vẻ thật phong trần và một người phụ nữ gương mặt thật phúc hậu. Họ đứng trước mặt chị với khuôn mặt tươi cười và gần gũi làm sao, dù đó chỉ là lần gặp đầu tiên đối với chị.
Chị đã không thể ngờ rằng ấy mới chính là Cha Mẹ ruột mà mình đã phải xa cách thật rất lâu rồi. Tấm lòng chị lúc ấy thật sự bất ngờ, nhưng chị không cảm thấy giận hờn hay có thể trách móc gì đối với Cha Mẹ mình cả, mà tấm lòng chị thật chỉ có một cảm xúc yêu thương thật mãnh liệt, và một mong muốn được trở về trong tình yêu thương chân thật của Cha Mẹ mình mà thôi. Có phải như một triết lí mà người thế gian họ đã đúc kết ra và thường dạy dỗ rằng lá rụng rồi cũng sẽ được về cội chăng! Tôi nghĩ là như vậy.
Cuộc đời của chị chính là kết quả của điều đó. Nơi chị đã được nuôi dưỡng bấy lâu nay có thể gọi là quê hương thứ hai, còn tôi lại nghĩ khác hơn một chút, nơi ấy có thể xem là một nơi mà chị đã được đi du lịch đến, nó cũng đã được xem là một chuyến du lịch thật đáng nhớ và đầy ắp những kỷ niệm đẹp đẽ. Có lẽ ông trời đã đặt để điều ấy trong cuộc đời của chị để chị có thể nhận ra một điều thật sự quý giá của mỗi người chúng ta ấy chính là nguồn cội, và là cội rễ của hết thảy mỗi một người trong thế gian này.
Cuối cùng thì chị cũng chọn lấy là sự trở về cùng với Cha Mẹ ruột của mình. Chị đã không vì điều kiện vật chất hiện tại mà mình đang có mà phủ nhận Cha Mẹ ruột của mình giống như nhiều người đã làm. Trong tấm lòng chị đã có sự khao khát tình yêu thương của Cha Mẹ thật sự mà mình đã thiếu vắng bấy lâu nay. Thật nơi mà chị trở về lúc này, tôi nghĩ mới sẽ chính là quê hương nhung nhớ thật sự của chị. Và chị cũng đã nghĩ như vậy. Còn các bạn thì nghĩ như thế nào về điều này?
Có một lần tôi đến nhà một người bạn. Hiện giờ bạn ấy đang học quản trị kinh doanh và sau này có quyết tâm sẽ trở nên một người có thể dẫn dắt một công ty mang tên của chính mình. Hôm đó, bạn ấy đã kể về buổi học môn quản trị nhân sự và tôi thấy thật hứng thú.
Hôm ấy, trong tiết học, giáo viên đã viết lên bảng những nghề nghiệp khác nhau và những tầng lớp xã hội khác nhau như tổng thống, giáo sư, tiến sĩ, diễn viên nổi tiếng, ăn xin v.v… rồi sau đó yêu cầu từng người một lên bảng viết tên của mình vào sau tên của người nếu muốn ngồi cạnh và ăn cơm cùng.
Thật sự mọi người đã rất hào hứng vì ai cũng có thần tượng của mình với những ngành nghề khác nhau và cũng ao ước muốn ngồi cạnh và ăn cơm cùng dù là một lần. Có bạn thích diễn viên nổi tiếng, thích gặp công chúa của nước này, muốn gặp tổng thống của nước kia...cũng có bạn nói rằng tôi cũng có thể ngồi cùng với người ăn xin vì tôi đã từng làm như vậy. Vì các bạn quan niệm rằng, không ai là người đáng bị ghét bỏ mà tất cả đều đáng được tôn trọng.
Nhưng có một người mà không có một cái tên nào xuất hiện đằng sau tên người ấy, dù một người cũng không, ấy là tội phạm. Khi được giáo viên hỏi lý do tại sao thì đa số đều trả lời rằng vì thấy sợ hãi, vì họ thật nguy hiểm, do thấy không thoải mái vì luôn ở trong tình trạng bất an rằng mình sẽ trở nên đối tượng bị hại v.v...
Giáo viên lại tiếp tục hỏi rằng “ Ai hiểu nghĩa của từ thành kiến là gì?”
Rất nhiều ý kiến đưa ra, nhưng thầy đã trả lời thật vắn tắt.
Thành kiến là những ý kiến quan điểm đã được hình thành trước khi nhận thức về một đối tượng hay một vấn đề hay một thông tin nào đó. Nó thường mang tính chủ quan tiêu cực đối với một người, nhóm người, hay giới tính, hoặc quan điểm chính trị, hoặc tôn giáo...từ đó dẫn đến phân biệt đối xử. Cho nên có rất nhiều người muốn tiếp xúc với nhiều người ở địa vị cao nhưng không dám ngồi gần cùng người phạm tội.
Mục đích của tiết học là cho các học viên biết có những thành kiến mà những người chủ sẽ suy nghĩ trong khi họ tuyển dụng nhân sự (bởi sau này có thể những học viên này sẽ trở nên giám đốc hoặc trở nên người tuyển dụng nhân sự). Có những trường hợp những người đã phạm tội dù chỉ một lần đã rất khó xin việc hoặc dù đã tìm được việc rồi đi chăng nữa cũng rất khó hòa đồng với đồng nghiệp của mình vì mặc cảm hoặc do bị phân biệt đối xử nếu vô tình ai đó biết về quá khứ của mình. Cơ hội thành công của họ trong cuộc đời còn lại sẽ bị thấp đi . Nên giáo viên đã dạy mọi người rằng, cần cởi mở tấm lòng tại nơi làm việc vì bề ngoài trông thấy của một người không phải là tất cả.
Tôi thấy rằng không phải chỉ tội phạm là người không ai muốn ngồi gần mà kể cả những người làm tổn thương chúng ta hay ai đó đối xử không tốt với chúng ta hoặc người chúng ta ghét đến mức chẳng muốn gặp mặt chứ huống chi là ngồi cùng.
Vậy mà, tôi đã từng gây ra lỗi lầm với Mẹ biết bao, làm đau đớn Mẹ nhiều biết bao khi còn là con trẻ. Nhiều lần không nghe lời mẹ dạy, không nhường nhịn anh, chị, em...còn ra ngoài ở gần 3 năm trời. Vậy mà ngày nào mẹ cũng nấu cơm và chờ con về ăn cùng. Trái luật pháp sẽ làm tổn hại đến người khác, rồi trở thành tội phạm và bị nhốt vào tù. Vậy, làm đau đớn tấm lòng của các bậc sinh thành sẽ bị nhốt vào đâu?
Cảm ơn Mẹ vì không xem con là kẻ có tội cùng Mẹ, nhưng luôn ôm ấp con vào trong tấm lòng của Mẹ. Không những vậy mà còn chăm sóc, vỗ về như là báu vật. Nhờ vậy con đường tương lai của con không bị khép lại.
Con thật may mắn hơn so với những người phạm tội trong câu chuyện ấy vì mãi mãi tội danh không thể xóa khỏi. Nhưng vì lòng nhân từ và hy sinh của Mẹ đã xóa hết thảy tội lỗi thuở xưa của con. Để bây giờ con được như trang giấy trắng và bước vào đời. Con là tội nhân hạnh phúc nhất trên đời!
Nghĩ đến khoảng thời gian thơ ấu đã qua như một giấc mơ thật hạnh phúc và đầy tiếng cười, là khoảng thời gian mà tôi tưởng chừng sẽ kéo dài mãi mãi.
Ngày sinh nhật đầu tiên tôi được tổ chức thật sự ấy là lúc tôi lên sáu tuổi. Đó là khi Cha mua cho tôi một chiếc xe đạp không có hai bánh phụ ở phía sau làm quà sinh nhật. Bởi, khi nhìn thấy các anh chị lớn chạy xe không có bánh phụ thật đẹp, chạy thật nhanh và tự do, cho nên tôi đã xin Cha Mẹ mua một chiếc nhưng tôi chưa nhận được câu trả lời. Tôi còn muốn khoe với các bạn nhỏ ở hàng xóm là tôi có thể chạy xe hai bánh thôi mà không cần bánh phụ. Thế mà hôm đó lại được nhận nên niềm hạnh phúc cứ dâng trào lên và nhiều dự định đã được vạch ra.
Chiếc xe Cha mua cho tôi có màu xanh nước biển có một cái giỏ màu trắng phía trước, có kính nhìn thấy được phía sau và có cả kèn nữa.
Tôi đã dắt chiếc xe đạp đi khắp khu phố để khoe với bạn bè. Nhưng cứ dắt bộ vòng vòng mà không dám leo lên vì sợ hãi. Dõi theo tôi, Cha nói:
-Đã đến lúc con phải tập thật sự rồi.
Tôi đã quyết định chạy chiếc xe đạp này với sự giúp đỡ của Cha. Hai tay bám chắc vào tay cầm, chân nhón vừa chạm đất và chập chững đạp từ từ theo sự hướng dẫn của Cha. Vì có Cha giữ cho và hậu thuẫn cho, nên tôi thấy tự tin hơn nhiều, dù tôi có bị chao đảo hay suýt bị té đi chăng nữa, Cha vẫn giúp đỡ một chút để tôi có thể chống chân xuống đất một cách an toàn. Cha cứ tập đi tập lại cho tôi trong 6 ngày liền như vậy.
Tôi đã không dám tập một mình vì sợ ngã và cứ chờ cho đến khi nào đi làm về thì tập cùng Cha. Cha tôi cũng biết điều đó nên cố gắng sắp xếp công việc và tập cho tôi.
Một hôm, trong lúc chạy xe tôi thấy có gì thật khác biệt, tôi thấy rằng mình chạy xe thật tự do và làm chủ được nhưng rồi bị chao đảo, tôi không hề lo lắng vì biết rằng có Cha ở cùng sẽ đỡ cho rồi tôi cũng sẽ chống chân an toàn thôi. Nhưng không phải vậy. Tôi đã lảo đảo một đoạn xa và cuối cùng ngã xuống đoạn đường thô ráp đầy sỏi. Tôi đã thấy rất sợ hãi, lạc lõng và chơi vơi biết bao nhiêu. Quần tôi bị rách ra, hai đầu gối tôi bị trầy xước, và chảy máu. Nước mắt tôi lăn dài uất ức vì sao Cha lại buông tay ra, rõ ràng Cha đã biết tôi không dám chạy một mình, cũng biết là tôi sẽ té mà...Tôi chạy vội về nhà và kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Thế mà vẫn chưa hết tức, tôi còn la lên lớn tiếng với Cha.
-Sao Cha không đỡ con, con sẽ không bao giờ tập chạy xe nữa đâu.
Mang theo bông băng y tế trên hai đầu gối, tôi đã quyết định là không bao giờ tập chạy xe nữa. Nhưng thật sự chiếc xe còn nặng hơn tôi, bởi sau khi bị té, tôi đã quăng chiếc xe sang một bên, đã đá vào bánh sau của nó, và làm bể cả kính chiếu hậu nữa. Nên tôi đã vào nhà kho để xem nhưng không thấy nó đâu. Tôi chạy đến chỗ lúc nãy, cũng không tìm thấy xe. Lòng tôi thật bối rối và sợ hãi vì sợ mất xe. Tôi đã hoảng hốt chạy về nhà nói với mẹ việc chiếc xe đã không tìm thấy.
Ngay lúc đó Cha dắt chiếc xe đạp đến trước mặt tôi. Tôi nghĩ rằng Cha sẽ giận dữ với tôi, và có thể sẽ la cho tôi một trận nhớ đời, nhưng Cha quỳ xuống và dùng giẻ lau các vết bẩn trên hai tay cầm, trên bánh xe. Cha tháo kính bị vỡ và gắn kính mới vào. Mới tuần trước tôi đã rất thích có xe đạp mà bây giờ...
Tôi đã bước đến gần Cha:
-Con xem, trông giống như xe mới chứ.
Tôi đã thấy mồ hôi đẫm ướt trên áo Cha và lăn dài trên trán. Tháng ấy trời thật nóng và oi bức, Cha cũng không thay bộ đồ từ chỗ làm về mà sửa ngay lập tức cho tôi. Rồi xoa vào hai đầu gối, nhẹ nhàng hỏi rằng con có đau không. Tôi có thể cảm nhận được hơi ấm trong lòng bàn tay của Cha xuyên qua lớp băng bông và làm cho vết thương không còn đau nữa. Tôi nghĩ rằng tôi có thể ngay lập tức chạy xe đạp mà không chút mệt mỏi gì.
Bàn tay ngày đêm không tiếc sức vì con cái. Bàn tay chai sần vì bao gánh nặng, hy sinh. Bàn tay nâng đỡ tôi mỗi lần tôi vấp ngã, dùng chính thân thể mình che chở, bao bọc tôi thì cớ nào lại để cho điều gì làm tổn thương tôi.
Xoa đầu tôi Cha nói rằng:
-Lần tới, Cha sẽ đỡ con không bị ngã. Nên đừng sợ việc chạy xe đạp.
Tôi trả lời rằng:
-Cha ơi, ngã không đau đâu ạ. Có Cha ở cùng nên con không sợ.
Cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của Cha tôi đã có thể chạy thành công một mình.
Sau này tôi mới biết sự thật là Cha của tôi chưa từng được chạy xe đạp. Vì lúc nhỏ ông nội và bà nội rất nghèo, các anh, chị và cả Cha không có đồ chơi để chơi huống chi là xe đạp.
Hóa ra, Cha muốn cho các con cái được hưởng tất thảy những điều mà mình đã không có. Vì Cha có thể cảm nhận thật rõ về nỗi mất mát trong tuổi thơ nên không thể nào nhìn thấy cảnh con cái thiếu thốn được. Tôi thật muốn trở lại lúc ấy để có cơ hội đối đãi thật tốt với Cha.
Phải cho đến giờ này tôi mới nhận ra rằng tôi phải đối xử tốt hơn nữa với Cha. Bởi khi còn nhỏ Cha đã không được hưởng hết thảy mọi sự giống như bây giờ tôi được hưởng mà phải sống trong sự thiếu thốn. Khi trưởng thành và lập gia đình, sinh con mà con cái lại không đối xử tốt hơn nữa thì thật bất công cho Cha, và tôi phận là con cái bất hiếu biết bao.
Con vẫn còn cơ hội để gặp Cha và nói lời cảm ơn Cha thì đã thật hạnh phúc rồi. Mong gia đình chúng ta luôn hạnh phúc và Cha Mẹ luôn khỏe mạnh và vui vẻ vì có những người con luôn nghĩ cho Cha Mẹ của mình thì có hạnh phúc nào hơn.
Không có nỗi quan tâm chu đáo nào nào bằng sự quan tâm của Ba Mẹ,
Không có sự chăm sóc nào tỉ mỉ bằng Ba Mẹ chăm sóc cho tôi.
Sau khi tốt nghiệp đại học tôi có dịp được đi thăm Hà Nội và có cơ hội phụ giúp một người quen tại đó trong sáu tháng. Tôi còn nhớ như in cái ngày đầu tiên đặt chân đến Hà Nội. Gió rét thổi ào ạt xuyên thấu qua từng manh áo, dù tôi đã mặc áo dày và ấm nhưng cũng không thể thích nghi được ngay tại nơi này. Ba Mẹ biết rằng cơ thể tôi rất yếu không thể tiếp xúc nhiều với gió lạnh, nhưng vì việc cần nên tôi phải có mặt ở đây trong thời gian này. Mũi tôi đỏ ửng lên và hắt xì hơi liên tục, tôi đã phải ở trong phòng cả ngày để có thể phục hồi lại. Người đã luôn lo lắng và luôn gọi điện hỏi thăm tôi chính là Mẹ nhưng tôi biết rằng cũng có Ba bên cạnh. Nghe giọng của Mẹ còn ấm áp hơn cả chăn bông mà tôi đang đắp. Tôi mang theo hơi ấm của mẹ mà chiến đấu suốt mùa đông.
Vì không thường xuyên gặp mặt Ba Mẹ, nên tôi đã hay chụp hình gửi về, để Ba Mẹ biết rằng tình hình giờ này của tôi ra sao, và tôi cũng muốn cho Mẹ biết rằng tôi vẫn khỏe. Vài ngày hôm sau, Mẹ nói rằng sẽ mua đôi găng tay mới cho tôi. Tôi đã tưởng rằng vì trời lạnh nên Mẹ mua găng tay cho tôi là điều đương nhiên nhưng khi Mẹ nói lý do thì thật là bất ngờ. Mẹ tôi nói rằng cứ bận lòng vì trông thấy đôi găng tay của tôi trong ảnh đã cũ nhiều rồi.
Tôi cũng chụp hình cho Mẹ xem chiếc áo bông Mẹ mới mua, ngay lập tức có hồi âm là rất hợp. Sáng hôm sau có tin nhắn của Mẹ rằng Ba muốn mua cho con một đôi giày mùa đông mang cho ấm chân bởi tôi đã đi giày búp bê trong bức ảnh ấy. Tôi đã thật bối rối vì Ba đã lo lắng rằng tôi không có lấy một đôi giày để mang cho ấm, lại mang đôi giày mỏng manh ấy đi giữa mùa đông. Thật ra tôi chỉ muốn mặc đồ gọn nhẹ để đi siêu thị gần nhà mà thôi. Tôi vội gọi điện và nói với Ba Mẹ rằng con đã có giày ấm đi cho mùa rét ở nơi này nên Ba Mẹ đừng lo lắng.
Tôi nhận ra sự thật rằng tất cả những bức ảnh chụp thường nhật của tôi lại trở nên là đối tượng quan tâm đặc biệt của Ba Mẹ tôi nhiều đến thế. Ba Mẹ không xem qua loa những bức hình của con gái, mà Ba Mẹ luôn dò xem điều cần thiết đối với con gái là gì và không rời mắt khỏi con gái dù có đi nơi nào chăng nữa. Khi nhìn những bức ảnh Ba Mẹ gửi cho tôi có thể thấy rằng với việc luôn mong muốn tôi được vui vẻ, hạnh phúc thì thân thể của Ba Mẹ cũng đã hao mòn theo năm tháng.
Tôi thật cảm ơn Ba Mẹ vì đã sinh ra tôi và đã dành hết thảy sự quan tâm cho tôi, dành hết thảy tuổi thanh xuân tôi và dành cả sự sống mình cho tôi, luôn động viên khích lệ và luôn dùng hết thảy lời ấm áp cho tôi. “Vì con là sự sống của Mẹ, nên hãy sống tốt” là câu nói làm động lực để tôi bước tiếp trong cuộc đời đầy giông bão này. Lần sau khi chụp hình hoặc ngày về thăm Ba Mẹ, con gái sẽ trở về với hình ảnh tốt đẹp nhất để Ba Mẹ vui mừng.
Nếu theo người ta nói một đời người là 60 năm, thì bà Ngoại của tôi năm nay đã sống hơn một đời người, năm nay bà đã hơn 70 tuổi. Dù tuổi đã cao nhưng mái tóc dài của bà vẫn còn một phần đen, kết hợp với phần tóc đã bạc tạo nên một màu tóc muối tiêu tuyệt đẹp. Chắc hẳn phần tóc ngả trắng đó là do bà đã tần tảo, hi sinh lo cho con, cho cháu. Qua lời mẹ kể, lúc còn trẻ, bà đã vất vả vừa lo chuyện buôn bán, chuyện nhà cửa vừa phải chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ 6 người con, cho con cái ăn học thành tài. Đến khi con trưởng thành, lập gia đình thì bà lại tiếp tục dành tình yêu thương, chăm sóc đó cho cháu của mình. Điển hình là bà sống với người con trai đầu là Cậu ba của tôi, không may mắn là cậu bị câm điếc bẩm sinh, khi có một gia đình, vợ mang thai sinh đôi 2 đứa bé, tưởng chừng sẽ được hạnh phúc nhưng người vợ lại bỏ đi, nhẫn tâm bỏ hai đứa bé chưa kịp chào đời để đi lấy chồng Ngoại quốc. Ngoại cảm nhận được nỗi mất mát của cậu, nên đã đi xin một đứa trẻ bị người ta bỏ rơi trước cửa chùa để nhận làm con nuôi của cậu, lúc đó bà khoảng 60 tuổi, ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, được con cháu chăm sóc nhưng bà lại một lần nữa hi sinh vì con. Ban ngày thì lo chăm sóc cho bé từ việc pha sữa, cho bé bú, đút cháo rồi đến thay tã, đêm thì thức để đưa nôi, hay là ngủ không đủ giấc khi bé quấy khóc nửa đêm…thay cậu dạy dỗ đứa bé thành người với niềm hi vọng duy nhất là sau này khi bà không còn, đứa trẻ này sẽ thay bà chăm sóc, yêu thương cậu. Tuy tôi không ở cạnh bà thường xuyên, chỉ là lâu lâu về thăm nhưng tôi cảm nhận được bà rất thương tôi, bà gửi gắm một phần tình yêu thương vào những bữa cơm mà chính tay bà nấu. Đối với tôi, bà nấu ngon như đầu bếp nhà hàng 5 sao vậy, tuy chỉ là những món ăn đơn giản nhưng nó chứa rất nhiều gia vị trong đó, có cả gia vị tình thương gia đình trong đó. Tôi rất thích ăn món khổ qua hầm Ngoại làm, nó có một vị rất riêng mà không giống ai làm cả, vì vậy tôi rất thích Tết, đó là dịp tôi có thể ăn được món bà làm cũng như có thể thấy bà luôn khỏe mạnh, vui vẻ bên con cháu, có thể chúc tết, chúc sức khỏe cho Ngoại, bù đắp lại sự hi sinh mà Ngoại dành cho con, cho cháu. Mãi mạnh khỏe như vậy nha Ngoại, con yêu Ngoại.
Lúc ấy khoảng gần bốn giờ sáng, Mẹ và tôi chuẩn bị đồ đạc để ra chợ nổi Cà Mau cân đồ.
Không gian xung quanh thật im ắng và tĩnh lặng, lúc này còn chưa có cả tiếng gà gáy nữa. Tôi ngồi trên mạn thuyền nhìn dòng nước trôi, còn Mẹ thì chèo. Từ nhà tôi đi đường sông mất khoảng ba cây số thì ra đến con sông xuyên qua một cánh đồng. Con sông ấy kéo dài cũng khoảng trên ba cây số, rồi sẽ chèo đến đoạn sông có dân cư ở, khoảng sông này dài và quanh co, nhưng tính độ khoảng năm cây số nữa thì ra đến sông lớn. Đến sông lớn thì trời cũng đã sáng. Từ đó để chèo đến chợ nổi phải đi thêm cả chục cây số nữa. Đoạn đường rất xa như thế, vậy mà cứ cách một đến hai ngày thì Mẹ tôi đi một lần.
Những chuyến đi đầu tiên với Mẹ, tôi đã không biết chèo, nên không giúp đỡ Mẹ được gì. Sau đó tôi mới tập tành những mái chèo đầu tiên và khi đã biết chèo rồi tôi mới hiểu và cảm nhận được sự khó khăn khi chèo xuồng là thế nào. Mỗi khi có nắng gắt thì người chèo rất mệt mỏi hay mỗi khi có gió ngược thì vô cùng khó để giữ xuồng di chuyển mà không bị va vào bờ. Có nhiều khi không giữ được tay chèo, xuồng có thể tuột lui theo chiều hướng của gió nữa. Thế mà suốt thời gian dài của cuộc đời Mẹ phải cố gắng thế này vì chúng tôi.
Trở lại chuyến đi, đến khoảng 8 giờ sáng thì Mẹ và tôi mới ra đến chợ. Lúc ấy, những chiếc xuồng như chúng tôi thì chưa nhiều, phải một lúc sau nữa thì mới có.
Xuồng chúng tôi cập vào một chiếc ghe khoai lang, đang mùa khoai lang, giá khoai cũng khá rẻ vào thời điểm ấy nên Mẹ lấy khá nhiều. Cân khoai lang xong mẹ tấp qua một ghe chở toàn là dưa leo. Mẹ nói, đang mùa gặt, nên người ta sẽ ăn dưa leo nhiều. Lúc đó tôi đã không biết vì sao mùa gặt thì người ta lại ăn dưa leo nhiều nữa. Sau đó, mấy cô chú gần nhà đến mua dưa leo, tôi nghe nói chuyện qua lại rồi mới biết. Thì ra vào mùa gặt Mẹ tôi thường cân những món ăn dễ chế biến hoặc không phải chế biến nhiều như dưa leo vậy.
Cân đồ xong, chúng tôi chèo xuồng ra khỏi chợ về con đường lúc sáng mà chúng tôi đã đi đến. Chuyến đi chỉ mất khoảng bốn tiếng đồng hồ vì không phải bán hàng. Tuy nhiên chuyến về thì lại kéo dài đến tận sáu bảy giờ tối thì xuồng mới được cập bến trước nhà. Chúng tôi vừa chèo vừa bán lần lần về, hầu hết đều là khách quen biết với Mẹ tôi. Họ rất mến Mẹ tôi và thường chờ Mẹ tôi cân đồ về là mua một số lượng có thể đủ cho tận hai ba ngày để chờ chuyến chợ sau của Mẹ. Hôm nào về mà bán được đắt hàng thì ngày hôm sau Mẹ sẽ về sớm hơn. Hôm sau Mẹ không đi trên tuyến sông đó mà đi hướng xuống sông Cả Giữa.
Cứ thế, một chuyến đi cân thì có thể bán đến một hoặc hai ngày là hết. Những năm tháng được cùng Mẹ đi những chuyến chợ như thế đã trở nên những ký ức thật khó phai trong kí ức tuổi thơ của tôi.
Người là chỗ dựa cho tôi,
Người luôn lắng nghe,
Người luôn động viên và không bao giờ bỏ rơi tôi,
Người yêu thương tôi không biết mệt mỏi,
Ấy là mẹ.
Mẹ tôi năm nay đã ngoài sáu mươi. Mái tóc uốn xoăn ngắn ôm tai. Đôi mắt đầy nhân từ, khuôn mặt phúc hậu và trên môi lúc nào cũng nở nụ cười ấm ấp để chào đón con cái. Đối với tôi mẹ là người đẹp nhất trên thế gian này.
Khi sinh tôi ra thì gia đình gặp khó khăn. Ba tôi cũng chẳng giúp được gì cho mẹ ngoài việc rượu chè. Một mình mẹ lo lắng cho chúng tôi từ miếng ăn giấc ngủ. Một mình mẹ vừa là mái nhà ấm áp che chở cho tâm hồn yếu đuối của tôi, vừa là trụ cột vững chắc để tôi có thể tự tin bước vào đời.
Với mẹ, dù phải hy sinh như thế nào đi chăng nữa thì cũng phải cho các con được học hành cho đến nơi đến chốn để có tương lai tươi sáng sau này . Mẹ có thể làm bất cứ công việc gì như chặt củi, lột củ hành, may vá thâu đêm suốt sáng…chỉ với một mong ước duy nhất là cho tôi được học vì tương lai sau này.
Tôi không thể cảm biết được nỗi khó khăn của Mẹ mà hay phàn nàn đủ kiểu nào là không có quần áo, không có xe đạp giống bạn... Đã có một lần tôi giận Mẹ mà muốn bỏ nhà ra đi vì ghen ghét. Bởi Mẹ lúc nào cũng chỉ quan tâm một mình em trai út. Tôi luôn nghĩ rằng Mẹ yêu út hơn mình và có lúc suy nghĩ rằng mình có phải là con ruột chăng mà sống buông thả, học hành bỏ bê, quậy phá để nỗi đau đớn của Mẹ thêm nhiều ra. Có một lần tôi đã bỏ nhà ra đi thật vì chán học. Nỗi đau đớn như nhân đôi trong trái tim của Mẹ và Mẹ như ngất đi vì đứa con cái hoang đàng.
Trên bước đường lầm lạc, đi đâu cũng nghe những bài hát “sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc Mẹ yêu con thương con tha thiết” hay “ con là thịt máu này Mẹ cho”, “Mẹ thương con như suối nguồn vẫn tuôn trào về dòng sông xa”. Tiếng của nguồn cội cứ xa xăm và văng vẳng trong giấc mơ không thành tiếng. Rồi trong cơn mưa ngày ấy, tôi bị sốt nặng và khóc thật nhiều. Khóc không phải bởi đau đớn bệnh tật mà bởi hình ảnh và tình yêu thương của Mẹ cứ hiện ra trong đầu tôi. Lúc ở nhà, bị bệnh luôn có Mẹ bên cạnh, nũng nịu than đắng khi uống thuốc rồi Mẹ vỗ về cho, lạnh Mẹ đắp khăn và hát cho tôi ngủ. Bây giờ ở nơi lạ lẫm này, lạnh lẽo không có gì để ăn, không có ai yêu thương, không ai chăm sóc và không có ai âu yếm nhìn tôi xoa đầu tôi. Giọng nói “ Ráng học tốt nhe con”, “nhanh khỏe lại Mẹ chở con đi học”, là lời mà tôi thấy khó chịu lúc trước, bây giờ sao thèm được nghe đến lạ. Giọt nước mắt cứ lăn dài vì nhớ nhung Mẹ.
“Con sẽ về xin lỗi cùng Mẹ, con học hành thật chăm chỉ để Mẹ vui lòng. Con sẽ dâng thật nhiều điểm 10 lên Mẹ và sẽ trở thành người đỡ đần cho Mẹ” cứ văng vẳng bên tai đã giục nhanh bước chân tôi trở về.
Mẹ đã chờ tôi ở ngoài cửa với đôi mắt sưng húp lên vì khóc nhiều. Tôi đã không thể mạnh bước đến gần Mẹ vì một phần sợ bị mắng, một phần vì xấu hổ không dám nhìn mặt Mẹ. Nhưng khi thấy tôi Mẹ đã chạy đến gần, ôm chầm lấy và nói rằng “ Mẹ xin lỗi vì đã không đối tốt với con, con mà đi luôn thì làm sao Mẹ sống nổi!”
Tiếng xin lỗi đáng ra tôi phải dập đầu và nói cùng Mẹ nhưng Mẹ lại nói với tôi thật làm cho tôi thêm xấu hổ, như có gì đó ép tim làm cho tôi khó thở, và càng thương Mẹ nhiều hơn nữa.
Trong đầm đìa nước mắt, tôi nhìn Mẹ và nói rằng “Con về rồi, ngày mai Mẹ chở con đi học nghen!”
Mẹ nở nụ cười hạnh phúc đáp rằng “ Ừ, ráng học cho tốt sẽ có quà”.
Tôi đã lớn lên nhờ tình yêu thương của Mẹ và là nguồn sức mạnh không thể diễn tả để tôi bước tiếp vào đời. Tôi sẽ không ích kỷ nghĩ mãi đến bản thân mình mà phải nghĩ cho cả Mẹ nữa, là người phụ nữ thầm lặng hy sinh vì tương lai con trẻ không thể nói thành lời.
Tôi sẽ cố gắng chăm chỉ và nỗ lực hết sức để có tương lai thật tốt xứng đáng với sự hy sinh và trông đợi của mẹ.
“Mẹ ơi!”
“Mẹ ơi!”, mỗi khi nghe đến từ Mẹ ơi thì tấm lòng tôi nhói lên và chan chứa một tình cảm thật ấm! Hình ảnh của người Mẹ hi sinh thầm lặng để cho tôi có cuộc sống của ngày hôm nay… Con xin cảm ơn Mẹ thật nhiều!
Còn nhớ khi tôi còn ở Cà Mau, nơi mà tôi đã được sinh ra và lớn lên bên tình yêu thương và sự chăm lo của Mẹ.
Mẹ tôi là người phụ nữ cam chịu, sống cả đời vì chồng, vì con. Để nuôi nấng và cho chị em chúng tôi ăn học, Mẹ vừa chăm lo cho gia đình, lại vừa làm công việc bán hàng rong. Mỗi ngày, độ ba giờ khuya, Mẹ đã thức dậy, chuẩn bị xuồng, chèo, cân… và mọi thứ vật dụng, rồi chèo thuyền ra đến chợ để cân đồ về bán. Thời gian mà Mẹ có mặt ở chợ là đã sáu đến bảy giờ sáng rồi, và đến khi về nhà thì cũng đã sáu, bảy giờ tối. Mẹ đã làm việc như thế đến gần cả cuộc đời của Mẹ, và bởi cuộc đời ấy, chị em chúng tôi ai cũng được cả Ấp khen là học hành đến nơi đến chốn. Và lòng Mẹ cũng thật rất vui. Dường như cả đời Mẹ tôi chỉ mong gặt hái được thành quả ngọt ngào như thế. Đối với Mẹ đây là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời. Tôi có thể thấy được điều đó trong đôi mắt của Mẹ.
Thật! Mỗi khi có ai khen, con bà Nghi, Nghi là tên Mẹ tôi, học giỏi, đứa thì bác sĩ, đứa thì giáo viên là Mẹ tôi cười rất tươi. Và nụ cười của Mẹ thì thật đầy ắp sự hạnh phúc thay!
Mẹ từng nói với chúng tôi rằng Mẹ đã vất vả cả cuộc đời, nhưng không thể để con cái giống như Mẹ. Mẹ không để chúng tôi phải vất vả như Mẹ nên Mẹ đã chọn lấy con đường của sự hi sinh không than thở cả đời ấy, để cho chúng tôi con chữ, kiến thức, để chúng tôi được gói lấy hành trang vào đời.
Mẹ ơi, con xin cảm ơn Mẹ! Con xin cảm ơn tình yêu thương và hi sinh mà Mẹ đã dành cho chúng con! Con hứa sẽ không hoang phí con đường mà Mẹ đã ban cho con hôm nay! Tình yêu thương của Mẹ luôn là chỉ nam cho tương lai của con mà con sẽ bước đi.
Trong cuộc đời mỗi người ta sẽ có những cám dỗ, những vui thú bạn bè, và cả những cạm bẫy trong cuộc đời. Và tất thảy những điều đó, chúng ta có được, tận hưởng được đến ngày nay là (món quà vô giá )của một người phụ nữ đã ban tặng. Ấy là Mẹ!
Cuộc sống này, hơi thở này là do Mẹ đã ban cho tôi. Mẹ đã lo lắng và chăm lo từng chút một cho tôi, cho đến ngày tôi lớn khôn. Và đến khi tôi lớn khôn cũng là lúc Mẹ tôi đã già, sức khỏe cũng suy giảm, (vết chân chim đã hằn sâu trên đuôi mắt và không biết từ khi nào những sợi tóc bạc đã lất phất trên mái đầu Mẹ). Ở trên đời này thật không có gì là vĩnh viễn, trừ những điều mà Cha Mẹ đã ban cho tôi.
Quả thật điều ý nghĩa nhất đối với một người là còn được gặp Cha Mẹ, là còn có Cha Mẹ để nhắc nhở để yêu thương! Chúng ta hãy trân trọng tình yêu thương ấy (khi còn có thể), bởi một khi đã mất đi thì dù có hối tiếc cũng không còn cơ hội nữa.
Thật vậy:
Mẹ là người mang nặng đẻ đau và sinh ra ta, đã chào đón ta và nuôi dưỡng ta trong cuộc đời này. Mẹ đã sẵn sàng hi sinh tất thảy và tha thứ cho lỗi lầm của chúng ta. Khi còn thơ ấu có thể bạn chưa cảm nhận được, rồi đến vô số những cám dỗ vật chất, hấp dẫn thu hút sự quan tâm của chúng ta, đến đỗi chúng ta quên mất đi rằng, Mẹ đang lo lắng cho chúng ta biết bao nhiêu. Cho đến một ngày, chúng ta nhận ra điều quan trọng nhất, sự quan tâm lớn lao nhất, sự hi sinh vĩ đại nhất (mà chúng ta tưởng rằng nó sẽ vĩnh cửu với thời gian ) đang dần một trở nên già nua và dần rời xa chúng ta đi. Và cho đến khi chúng ta bừng tỉnh thì... chúng ta chỉ có thể nhớ mà thôi!
Để chúng ta không phải hối tiếc thì hãy học cách yêu thương Mẹ ngay từ bây giờ.
Mẹ ơi, mỗi khi con ham vui quên chuyện học hành, Mẹ đã lo lắng và nhắc nhở con, vì tình yêu thương Mẹ! Con xin cố gắng chăm học như lời dạy dỗ của Mẹ. Xin Mẹ hãy an lòng!
Và Mẹ ơi, con muốn nói với mẹ một điều sâu thẳm trong con rằng con yêu Mẹ! Và con sẽ thành danh như mong mỏi và ao ước của Mẹ cho tương lai của con vậy!
Mẹ ơi, con xin cảm ơn Mẹ!
Khi ai đó bất chợt hỏi tôi rằng: “Ai là người khiến bạn hạnh phúc nhất?” thì câu trả lời của tôi chỉ vỏn vẹn một từ duy nhất, đó chính là Mẹ. Câu trả lời dường như ai cũng cảm thấy quá đỗi bình thường, nhưng tận sâu trong đáy lòng, Mẹ luôn là người giữ vị trí quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi.
Quả không ngoa khi nói rằng, tình mẫu tử là một thứ tình cảm thiêng liêng không thứ gì trên thế gian có thể so sánh được. Chính vì thế mà kho tàng văn học Việt Nam luôn có một góc riêng chứa đựng gia tài khổng lồ những bài thơ, bài văn hay về Mẹ. Tôi đã từng viết rất nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi viết về Mẹ, bởi đơn giản trong tôi thứ tình cảm này không thể dùng từ ngữ nào để diễn tả hết.
Thật hạnh phúc khi tôi vẫn còn có Mẹ tiếp bước cùng tôi trong các giai đoạn quan trọng của cuộc đời. Chẳng biết từ khi nào mà trong tâm trí của tôi luôn có một ý niệm rằng Mẹ là mục tiêu, là nguồn động viên lớn nhất cho tôi. Ngày xưa, khi còn bé, bất cứ chuyện gì tôi cũng đều than vãn với Mẹ, kể cho Mẹ nghe hôm nay đi học mệt thế nào, thi không làm được bài ra sao,... trong những lúc đó Mẹ luôn là người động viên và an ủi tôi đừng bỏ cuộc. Nhưng sau này, khi đã nhận thức được nhiều chuyện trong cuộc sống, tôi dường như hiếm khi nào kể cho Mẹ nghe những chuyện buồn, nếu có chuyện buồn đi nữa, tôi cũng đều cố gắng vui tươi nhất để Mẹ tôi có thể yên lòng!
Con người sẽ trưởng thành trong suy nghĩ của mình mỗi khi lớn lên. Nếu như lúc nhỏ tôi chỉ mong sao Mẹ tôi mua cho tôi thật nhiều quần áo đẹp nhưng có lẽ mọi chuyện bây giờ đã khác. Nếu Trời ban cho tôi một điều ước duy nhất, tôi chỉ mong được nhìn thấy hình ảnh người Mẹ đã tảo tần nuôi nấng tôi và em tôi được bình an và sống đời với chúng tôi. Công ơn sinh thành, dưỡng dục của Mẹ biết khi nào tôi mới đền đáp được? Nụ cười của Mẹ, ánh mắt của Mẹ luôn dõi theo tôi luôn là một động lực thôi thúc tôi phải sống xứng đáng với những gì Mẹ đã giành cho mình. Những khi tôi đi đâu hay bắt đầu đi, luôn có một ánh nhìn đầy trìu mến sau khe cửa. Tôi nhận thức được rằng, trên những nẻo đường tôi đi, luôn có một đôi mắt dịu hiền, ấm áp dõi theo sau như một lá bùa bình an.
Hôm nay, bất chợt ngồi viết về Mẹ, cảm xúc lại tràn trề trong lòng tôi, nhưng thật khó để tôi diễn đạt thành lời nói và hành động. Chính vì thế mà càng lớn, những nụ hôn hay những cái ôm tha thiết dành cho mẹ đã dần dà không còn nữa. Tôi nghĩ rằng những chuyện đó không quá sức cần thiết. Chỉ cần biết rằng, khi ai đó nhắc đến Mẹ, tôi lại nước mắt lưng tròng. Mẹ đã già rồi, những sợi tóc bạc và những vết chân chim trên đôi mắt ngày càng nhiều hơn nhưng sự bao dung của Mẹ là chưa bao giờ thay đổi, nhất là đối với tôi – bao lần ương bướng cãi Mẹ nhưng Mẹ vẫn luôn dang rộng đôi tay tha thứ và đón tôi vào lòng.
Hình ảnh của Mẹ luôn là đốm lửa sáng sưởi ấm trái tim tôi dẫu cho tôi gặp muôn vàn khó khăn, thử thách ngoài đời. Chỉ cần đi làm về có Mẹ ở nhà, đó là niềm mong mỏi lớn nhất của tôi, vì còn được bao lâu nữa, tôi được núp dưới bóng hình che chở của Mẹ?
Chưa bao giờ tôi lại ghét đồng tiền như thế, vì Mẹ tôi bị bệnh tiểu đường, phải đi khám bệnh thường xuyên. Nếu không có tiền, Mẹ tôi có thể nguy hiểm đến tính mạng và... tôi có thể vĩnh viễn mất đi người mà mình yêu thương nhất! Từ bao giờ mà đồng tiền lại có vai trò quyết định đến mạng sống của một con người như vậy? Tôi đã từng mơ thấy rất nhiều cơn ác mộng, nhưng cơn ác mộng lớn nhất cuộc đời tôi có lẽ là không còn Mẹ bên cạnh nữa. Tôi giật mình tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa và không quên đưa mắt nhìn qua Mẹ rồi khẽ thở dài... Đến bây giờ tôi đã thực sự thấm thía câu nói “Ai còn Mẹ xin đừng lảm Mẹ khóc, để nỗi buồn trên mắt Mẹ nghe không?”