Trong cuộc đời của mỗi con người có lẽ có những ký ức mà chúng ta sẽ không bao giờ quên được. Đối với tôi, một trong những ký ức đó là về ngày 20-11 năm lớp 9, năm học cuối cùng của cấp Trung học Cơ sở.
Dịp 20-11 năm đó, lớp tôi đã chuẩn bị rất nhiều “bất ngờ” để tặng các Thầy Cô.
Trong suốt tuần lễ trước ngày 20-11 năm đó, lớp tôi chuẩn bị những tấm thiệp, những cành hoa hồng đỏ thắm tặng các Thầy, các Cô vào đầu mỗi tiết học. Còn nhớ là cả lớp cứ đùn đẩy cho nhau xem ai là người đại diện tặng cho Cô. Rồi thì cuối cùng bạn Hoa, một cô nàng khéo ăn khéo nói nhất lớp đã được chọn. Mỗi lần lên tặng, Hoa đều có những lời chúc khác nhau dành cho mỗi Thầy, mỗi Cô. Với Thầy chủ nhiệm dạy Toán khô khan thì Hoa làm một bài thơ có các Công thức lượng giác trong đó, với Cô dạy Địa dễ thương thì lại là một bài thơ với tên các tỉnh thành Việt Nam,… Thú vị vô cùng!
Còn nhớ năm đó, 20-11 rơi vào ngày thường, nên học sinh vẫn đi học và Thầy Cô vẫn lên lớp như thường. Hôm đó, tự dưng lớp tôi lại siêng năng học bài. Với một lớp mà Thầy Cô nào dạy cũng phê kín cả sổ đầu bài những cái tên nằm trong “bảng vàng” diện hay lười học bài, làm bài tập thì cái việc siêng học, siêng lên trả bài có lẽ là một bất ngờ dành cho Thầy Cô. Hoài, thằng bạn ngồi kế tôi, thường ngày học từ vựng tiếng Anh thì chữ nhớ chữ không, hôm đó lại xung phong lên trả bài những từ vựng tiết trước mới học và được 8 điểm. Hương, con nhỏ học tuy không giỏi Hóa cho lắm tới tiết Hóa ngày 20-11 hôm đó cũng xung phong lên bảng làm bài tập rất nhiều lần.
Lý do cho sự siêng năng đột xuất này của lớp chúng tôi này là bạn Phong, lớp trưởng “thanh niên nghiêm túc” lớp tôi đã tranh thủ những giờ ra chơi làm “Công tác tư tưởng” cho những bạn hay có tên trong “bảng vàng” nói trên. Phong nói học là việc có lợi cho bản thân, với cũng là năm cuối cấp rồi, nên học hành cho đàng hoàng vào. Việc làm của Phong phát huy tác dụng ngay lập tức và duy trì đến cuối năm học cuối cấp đó. Kết quả là từ một lớp bị nhiều Thầy Cô chê nhất trường thì lớp tôi lại “lọt top” những lớp tiêu biểu của trường.
Chắc không Thầy Cô nào mong muốn học trò của mình cứ “lẹt đẹt” mãi trong học tập nên chính những cố gắng, những điểm chín, điểm mười của học sinh chính là động lực, là niềm vui, niềm tự hào cho chính bản thân các Thầy, các Cô.
20-11 nào chỉ có hoa, có quà mà còn có những niềm vui nho nhỏ (mà đầy ý nghĩa) như vậy thôi đó.
20-11 đầu tiên, năm đó tôi học lớp 1. Nếu ai đó hỏi tôi 20-11 là ngày gì vào thời điểm đó, tôi chắc cũng chỉ biết cười bẽn lẽn rồi thôi, vì thật sự với một Cô học trò nhỏ mới bước vào cấp 1 thì làm gì đã biết 20-11 là ngày gì.
“20-11 là ngày gì vậy mẹ?”, tôi hỏi mẹ.
“Là ngày tri ân các Thầy Cô đó con gái.”, mẹ đáp.
Tôi lại hỏi tiếp: “Thế ngày đó mình phải làm gì để tri ân Thầy Cô mẹ nhỉ?”
Mẹ trả lời: “Có rất nhiều cách để chúng ta thể hiện tấm lòng với Thầy Cô. Con có thể tặng hoa, tặng quà hay thậm chí chỉ cần chúc Thầy Cô có một ngày 20-11 thật vui vẻ thì mẹ nghĩ các Thầy, các Cô cũng vui rồi đó.”
Thế là đêm hôm đó, tôi mang giấy màu, kéo, bút, thước ra nhờ mẹ chỉ làm một tấm thiệp nhỏ tặng Cô giáo chủ nhiệm.
Ngày 20-11 cũng tới, ngày 20-11 đầu tiên trong cuộc đời học sinh.
Hôm đó, trường tổ chức một buổi lễ trong tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần. Ai ai cũng rạng rỡ hơn thường ngày. Các Cô như những cô tiên xinh đẹp “xúng xính” trong những bộ áo dài thướt tha, các Thầy thì mặc sơ mi xanh ngọc bảnh bao hết cỡ. Học sinh chúng tôi, đứa thì một nhánh hồng, đứa thì một hộp quà với giấy gói đủ màu đủ sắc. Thầy Hiệu trưởng nói về ý nghĩa của ngày Hiến chương Nhà giáo, về nhiệm vụ thiêng liêng mà các Thầy Cô đang đảm trách, về bổn phận của học trò phải biết lễ phép, nghe lời Thầy Cô. Rồi các anh chị khối trên trình diễn những tiết mục văn nghệ nhằm tri ân Công lao các Thầy, các Cô, những người cha, người mẹ thứ hai của biết bao nhiêu thế hệ học sinh. Buổi lễ diễn ra ngắn gọn mà trang trọng. Sau đó, đại diện từng lớp lên trao những bó hoa tươi thắm cho Thầy Cô chủ nhiệm lớp mình.
Làm lễ xong, trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, cả lớp chúng tôi hát tặng Cô Huệ, người mẹ thứ hai của 38 đứa con lớp 1A bài hát “Cô giáo em”. Rồi nào hoa, nào quà, nào thiệp được từng đứa lấy ra để tặng Cô. Nhận quà của từng đứa con, Cô vui lắm, hình như còn rơm rớm nước mắt nữa cơ. Giọt nước mắt của hạnh phúc, của niềm vui mà đàn con thơ dành cho Cô.
Món quà của tôi là một cành hồng nhung kèm một tấm thiệp mà đêm hôm trước mẹ chỉ tôi cắt giấy và trang trí cũng như ghi lời chúc.
Có thể ngày ấy, với những tình cảm quý mến thực sự của một đứa con nít dành cho người đã cầm tay uốn từng nét chữ, người đã kiên nhẫn giảng một bài Toán nó đơn sơ và bình dị lắm. Tình cảm đó mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là vật chất. Những món quà đâu nhất thiết phải đắt tiền, gói trong đó là sự trân trọng, sự biết ơn vô vàn dành cho Thầy Cô. Giờ nghĩ lại, bất giác lại nhớ về Cô Huệ, về món quà 20-11 tôi tặng Cô – một tấm thiệp với những dòng chữ, những hình vẽ nguệch ngoạc, tôi lại nhoẻn miệng cười.
Ngày Hiến chương Nhà giáo năm đó,
Năm cuối cấp của thời áo trắng.
Vẫn chúc tụng, vẫn hoa, vẫn quà,
Nhưng sao lại bồi hồi đến vậy?
Những bài giảng tưởng quá khô khan
Giờ sao bỗng nghe hay đến lạ
Nhờ tâm tình Thầy đặt vào đó
Giúp chúng con ghi nhớ rõ ràng
Những trưa hè ôn thi cật lực,
Áo Thầy trò ướt đẫm mồ hôi
Cùng nhau học, cùng nhau ôn luyện,
Vì tương lại rộng mở sau này
Những ngây ngô tuổi mới lớn,
Có Thầy cô bạn bè ở đó,
Lắng nghe và không phán xét,
Thủ thỉ cùng tâm sự đúng sai.
Thầy cô bạn bè ngồi tâm sự
Biết sau này còn được vậy chăng?
Dặn dò nhau đừng quên kỷ niệm
Của một thời tuổi mộng mơ.
-THỦY TIÊN-
Bây giờ, khi ngồi trên giảng đường Đại học, tôi cảm thấy mình thực sự cô đơn và lạc lõng. Bất chợt tôi nhớ về những ngày tháng vui vẻ nhất thời học sinh – khoảng thời gian được học tập và vui đùa cùng các bạn tại trường cấp ba thân yêu của mình.
Những gì khi mất đi rồi mới trở nên thật sự quý giá, và đúng là như vậy. Tôi thấy nhớ đám bạn của mình, nhớ các Thầy Cô giáo viên bộ môn từng ngày từng giờ miệt mài ôn tập cho chúng tôi thi Đại học. Lớp 12 khối lượng bài vở thực sự nhiều nhưng có lẽ đây cũng là khoảng thời gian ý nghĩa nhất đối với tuổi học trò.
Tôi còn nhớ mãi ngày Nhà giáo Việt Nam năm đó, cũng là ngày sinh nhật của Cô chủ nhiệm. Chúng tôi đã âm thầm làm cho Cô một bữa tiệc sinh nhật thật đặc biệt cũng như để tri ân Cô vì những gì Cô dạy bảo chúng tôi suốt những ngày còn lại của thời học sinh cuối cấp. Sau khi tham dự lễ dưới sân trường xong, chúng tôi lẳng lặng lên lớp chuẩn bị, còn Cô thì tiếp các anh chị học sinh cũ về trường.
Khi Cô chuẩn bị vào lớp phát biểu thì cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị “đột kích”. Đứa thì cầm pháo đứng chuẩn bị sẵn hai bên cửa, đứa thì đốt nến sẵn bánh kem. Những đứa còn lại thì núp dưới gầm bàn như kiểu cả lớp về hết rồi vậy. Cô bước vào cũng là lúc mọi thứ vỡ òa. Đèn được bật, rèm cửa được kéo lên, và ... pháo hoa được bắn tung tóe! Và lớp trưởng đại diện chúc mừng sinh nhật Cô cũng như gửi đến Cô những lời tri ân nhân ngày 20/11. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy vui.
Tuy nhiên, phần hấp dẫn nhất vẫn là phần mở quà. Cô vẫn thường nói “Cô không thích được tặng quà hay hoa đâu, bây đừng phí tiền.” Chúng tôi biết tính Cô như thế nên đã âm thầm chuẩn bị cho Cô một thùng quà siêu bự gồm 43 món tất cả. Nào là móc quần áo, chai nước lau nhà, kem đánh răng, ... Tất cả những vật dụng cho một ngôi nhà mới. Vì Cô chúng tôi vừa lập gia đình cách đó được một tuần. Đáp lại sự chuẩn bị của chúng tôi là một tràng cười hạnh phúc của Cô. Đến khi ra về mấy bạn nam trong lớp còn giúp Cô chở đồ về nhà.
Nghĩ lại thấy lúc đó sao mà tinh nghịch, thân thương, và vui vẻ như vậy. Mỗi khi nhớ lại ngày 20/11 năm đó tôi bất giác lại phì cười. Cười vì sự ngây ngô của tuổi học trò, cười vì được thấy nụ cười vui vẻ của Cô trong những ngày tháng ôn thi học kì 1 căng thẳng.
Tuổi học trò là vậy, luôn làm những gì mà mình thích, dù có pha một chút nghịch ngợm nhưng vẫn không quên nhớ đến ngày đặc biệt của Cô, không quên gửi đến Cô mình những lời tri ân chân thành.
Cảm ơn Cô, người lái đò lặng lẽ!
- Sắp đến ngày 20/11 rồi kìa, chúng mình làm gì để tặng các Thầy Cô bây giờ nhỉ?
- Mình tính làm thiệp tặng Cô chủ nhiệm.
- Mình tính mua hoa tặng Cô
- Thế lớp mình có tính tặng hết những Thầy Cô giáo Bộ môn không nhỉ?
- Ừ ý kiến hay đó, vậy tụi mình cùng chung tay làm quà tặng các Thầy Cô nhé!
Thế là những ngày sau đó, chúng tôi cùng nhau phân chia ra mỗi đứa một nhiệm vụ. Đứa thì mua giấy xếp hoa, đứa thì mua ruy băng, đứa thì xếp thành những bông hoa giấy cài áo thật đẹp, đứa thì trang trí thêm dây ruy băng và kim tuyến cho những bông hoa ấy càng thêm bắt mắt. Chưa bao giờ lớp tôi lại tham gia hoạt động chung một cách hăng say như thế. Cứ mỗi giờ ra chơi đến là lại tụm năm tụm bảy cắt, dán, trang trí hoa cài áo.
Sau khi làm xong hết 13 bông hoa cài áo bằng giấy. Chúng tôi lên kế hoạch tặng Thầy Cô như thế nào, và cùng hội ý viết ra những lời chúc thật hay. Trước ngày 20/11 một tuần, đến tiết của Thầy Cô bộ môn nào, sau khi đứng lên chào Thầy Cô, chúng tôi đều đứng hát bài Bụi phấn. Hát xong thì lớp trưởng sẽ cầm giấy đọc lời chúc gửi đến Thầy Cô, và lớp phó sẽ lên cài hoa chúc mừng Thầy Cô.
Tuổi học trò đơn sơ là thế, thậm chí chúc Thầy Cô nhưng vẫn không nhớ mà phải cầm giấy để đọc nhưng trong đó là những ước nguyện, những lời chúc từ tận đáy lòng mà đám học trò nhỏ dành tặng cho Thầy Cô của mình. Đối với nhiều người mà nói bông hoa cài áo bằng giấy chẳng là gì nhưng đó là những gì đám học trò chúng tôi nghĩ ra và muốn bỏ công sức ra để làm thay vì những bông hoa thật tuy đẹp nhưng tàn dần theo thời gian.
Bây giờ, mỗi khi đến 20/11, trong lòng tôi lại nôn nao khi ngồi xem lại những thước phim ngắn tri ân Thầy Cô trên mạng và chợt nhớ về những người lái đò thầm lặng, những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ của mình.
Những kí ức đẹp đẽ ơi, Thầy Cô và bạn bè ơi, xin mãi ở đây bên cạnh tôi nhé!
“Ngày đầu tiên đi học,
Mẹ dắt tay đến trường,
Em vừa đi vừa khóc,
Mẹ dỗ dành yêu thương.
Ngày đầu như thế đó,
Cô giáo như Mẹ hiền,
Em bây giờ cứ ngỡ,
Cô giáo là Cô tiên,...”
Lời bài hát vang lên từ nhà hàng xóm bỗng chốc làm tôi nhớ đến kỉ niệm xưa cũ.
Ngày xưa, khi tôi còn học cấp một, ba mẹ tôi thường đi làm cả ngày nên không có thời gian đưa đón tôi nên tôi được ba mẹ cho học bán trú. Phần lớn thời gian vào ban ngày là tôi ở trường cùng Cô giáo và bạn bè. Không biết thời học sinh bây giờ như thế nào chứ hồi xưa cách đây khoảng hơn chục năm, mỗi khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là đám học trò chúng tôi lại vui mừng.
Hồi xưa cứ mỗi khi đến ngày này, bản thân tôi thường chỉ nghĩ một cách ngây thơ rằng phải có quà tặng Cô thì mới được Cô thương. Thế là năm thì một cành bông đỏ thắm, năm thì hộp sữa tắm quà tặng người ta hay bán trong siêu thị. Mỗi năm lại xin tiền ba mẹ để tặng Cô một trong hai món quà đó. Và chỉ đơn giản tặng Cô là vì muốn được Cô thương và bạn tặng Cô thì mình cũng phải có quà tặng Cô chứ có nghĩ gì xa xôi hơn đâu. Thậm chí còn không có lấy một lời chúc. Đến khi học lớp 4 hay lớp 5 gì đó thì do ba mẹ nhắc nhở nên mới biết viết vài dòng chúc Cô. Tôi nhớ hình như là vậy.
Sau khi tặng quà cho Cô thì đến tiết mục rượt đuổi nhau trong sân trường và trét kim tuyến lên mặt bạn. Cứ bạn này trét lên mặt bạn kia và ngược lại, cho đến khi ba mẹ đến đón mới thôi. Và tất nhiên là, sau đó mặt mũi đứa nào cũng tèm lem và đều bị ba mẹ la vì tội chơi dơ.
Tuổi thơ tuy suy nghĩ mộc mạc, chân chất, nhưng lại ngập tràn những tiếng cười giòn tan. Vì trẻ thơ mà, niềm vui của chúng là được Thầy Cô yêu thương, được vui chơi cùng bạn bè khi đến trường.
Tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc khi tuổi thơ được đến trường như các bạn đồng trang lứa, được Thầy Cô yêu thương và có những kí ức thật đẹp. Tuy đã nhiều năm trôi qua, kí ức cũng dần bị quên lãng, chỉ còn vài kỉ niệm còn vương vấn trong tâm trí nhưng cũng bởi vì vậy, đây là những thứ quý giá mà không phải ai cũng có được.
Cứ mỗi khi đến tháng 11 cuối năm, tất cả mọi người đều nhớ đến một ngày, ấy là ngày 20, ngày nhà giáo Việt Nam. Suốt khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường: năm năm tiểu học, bốn năm trung học và thêm hai năm cấp ba tổng cộng là mười một năm dự lễ, tôi đã chưa cảm nhận được thật sự ý nghĩa của ngày này là cao cả và thiêng liêng như thế nào. Có thể nói rằng tôi giữ ngày này như là nghĩa vụ và trách nhiệm phải có mặt mà thôi. Không biết các bạn thì sao? Có giống tôi không?
Cứ đến ngày ấy, một là mẹ sẽ mua quà để sẵn cho tôi, hai là tôi sẽ chọn những bó hoa bán ở ven đường hoặc lựa chọn một món quà nào đó, nhờ người trong tiệm gói sẵn một cách đẹp đẽ rồi mang lên trường. Dự lễ xong, hát hò, vui tươi...rồi cuối cùng học sinh của lớp nào thì đi vào phòng của lớp ấy để gặp Thầy hoặc Cô chủ nhiệm. Cùng nói chuyện với nhau, cùng cười...và cuối cùng, các bạn biết đấy, tặng quà cho Cô với những lời chúc đẹp đẽ và...chia tay ra về. Mọi thứ chỉ kết thúc ở việc tặng quà rồi đi về. Rồi trở lại với hiện trạng ban đầu, không còn nhớ rằng mình đã từng tặng quà gì và tặng cho Thầy Cô nào trong mỗi năm học ấy. Nói đến đây tôi thật sự thấy có lỗi với các Thầy và các Cô thật nhiều, thật nhiều!
Nhưng mọi thứ đã thật sự thay đổi khi tôi lên lớp 12. Nói thật là không phải chỉ mình tôi mà kể cả các bạn cùng lớp với tôi. Không phải mạnh ai nấy mua đồ hay chuẩn bị quà cho riêng mình mà chúng tôi cùng làm. Chúng tôi đã chuẩn bị cho ngày này trước mười lăm ngày một cách thầm lặng. Chúng tôi tự vẽ những vật dụng trang trí, vẽ và làm những tấm thiệp xinh xắn và ghi đầy lời chúc, lời biết ơn gửi đến các Thầy các Cô (cả Thầy chủ nhiệm và những giáo viên bộ môn khác nữa). Chúng tôi không mua quà như đã từng, mà bây giờ mỗi người cố gắng suy nghĩ sẽ làm món quà gì, cho Thầy/Cô nào, tính cách ra sao, Cô thích màu tím, Thầy thích màu xanh, thầy thích hình này không, cô thích hoa văn này không...rồi háo hức chuẩn bị với tấm lòng mong muốn các Thầy, các Cô được vui mừng. Chúng tôi vì thiếu thốn nên phải chuẩn bị lâu hơn. Có bạn xếp 1000 ngôi sao, làm đèn đọc sách hình ngôi nhà, vẽ trên sổ giáo án những hình thật xinh xắn v.v...Dù mất nhiều thời gian nhưng chúng tôi biết rằng nếu là thời gian dành cho người mình yêu thương và kính trọng thì thật có ý nghĩa biết bao. “Không biết rằng khi nhận món quà này thì Thầy và Cô sẽ cười hay khóc ta...?”. Tất cả chúng tôi đều cười thầm khi tưởng tượng đến khuôn mặt của các Thầy, Cô khi nhận món quà của mình? Đương nhiên chúng em luôn muốn các Thầy và các Cô luôn nở trên môi những nụ cười thật tươi rồi.
Năm nay, chúng tôi không phải tặng quà cho Thầy cho Cô, mà gửi tấm lòng biết ơn của mình hướng về “ những người đưa đò thầm lặng” hy sinh cả đời mình vì chúng tôi, là những người chưa từng quen biết. Chúng tôi biết rằng so với những gì chúng tôi làm của ngày hôm nay chẳng đáng so sánh gì với những nỗi vất vả của các Thầy, Cô đã trải qua vì chúng tôi. Chúng ta nhìn thấy giọt mồ hôi trên trán của Thầy vào những buổi trưa hè gay gắt, không ngồi xuống nghỉ chân mà cứ say sưa trên bục giảng. Chúng tôi nhìn thấy được giọt nước mắt không thành tiếng của Cô mỗi khi chúng tôi không nghe lời, lơ là trong việc học mà chưa một lần than phiền. Chúng tôi cũng nhìn thấy niềm hân hoan và tự hào của các Thầy các Cô khi chúng tôi bức phá đạt được những điểm số tốt ngoài dự kiến và niềm mong ước. Chúng tôi cũng biết rằng những gì chúng tôi có được của ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh thầm lặng của các Thầy Cô. Chúng tôi hiểu biết sâu sắc một điều rằng ngày nhà giáo ý nghĩa nhất là ngày không phải các học sinh chỉ mang quà đến tặng Thầy Cô, mà mang tấm lòng biết ơn thật sự đến để tặng Thầy Cô.
Ngày hôm ấy, là ngày đầy tiếng cười khi nhận được những món quà tự tay các học sinh làm cho mình và chan hòa cùng những giọt nước mắt hạnh phúc khi đọc được tấm lòng của chúng tôi hướng về các Thầy, các Cô thông qua từng tấm thiệp. Mọi thứ không qua đi như những năm trước mà sau ngày ấy chúng tôi càng quyết tâm học tập thật tốt hơn cho học kỳ 2 sắp tới để đền đáp công ơn mà các Thầy Cô đã dành cho chúng tôi. Thêm sức lực thêm dũng khí và thêm tình yêu thương khắng khít giữa Thầy và trò đề cùng nhau sát cánh cho học kỳ tới, học kỳ đối diện với kỳ thi trung học phổ thông quan trọng và đại học đầy khó khăn và gian nan sau này. Chúng tôi biết rằng chúng tôi không một mình mà còn có các Thầy, các Cô luôn sát cánh. Chúng em biết ơn các Thầy các Cô thật nhiều! Chúng em sẽ học tập chăm chỉ và gặt hái những thành quả tốt đẹp nhất để dâng lên làm niềm vui các Thầy, các Cô!
Hỡi cánh cửa Đại Học! Hãy mở rộng ra! Chúng tôi sẽ tới đây!
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu mến Thầy”
Có lẽ đây là câu ca dao mà hầu hết đứa học trò nào cũng thuộc nằm lòng. Và Việt Nam có hẳn một ngày để cho học sinh tri ân Thầy, Cô đó chính là ngày 20/11 – Ngày Nhà Giáo Việt Nam.
Kí ức về ngày 20/11 của tôi về những năm học cấp 1, cấp 2 khá là mông lung. Lúc đó còn khá nhỏ nên cũng chỉ biết là 20/11 trường sẽ làm lễ để tôn vinh Thầy, Cô và học sinh sẽ tri ân Thầy, Cô bằng cách “tặng quà”. Vì còn bé nên hầu như tất cả những “món quà” tặng cho Thầy, Cô đều do mẹ tôi chuẩn bị. Và hầu hết cả 5 năm cấp 1 tôi đều tặng sữa tắm Encheunter cho 5 Cô giáo chủ nhiệm lớp. Bây giờ nghĩ lại, 20/11 trong tiềm thức tôi lúc đó giống như là ngày để tặng quà cho có lệ, các bạn trong lớp ai ai cũng đều tặng nếu mình không tặng sẽ rất xấu hổ… Thật đúng là suy nghĩ của một đứa con nít nhỉ? Bên cạnh việc “tặng quà” thì trường còn tổ chức những trò chơi để các lớp thi đua với nhau như kéo co, nhảy bao bố. Nhưng tôi không bao giờ có cơ hội tham gia vào những trò đó, vì sức khỏe khá yếu nên chỉ có thể đứng ngoài và cổ vũ cho các bạn hết mình dù lớp tôi không năm nào có giải cả. Và cái thứ mà làm tôi “ám ảnh” nhất ngày 20/11 đó chính là “kim tuyến”. Không hiểu tại sao thường ngày đi học, giỡn hay chơi với nhau, không đứa nào chơi trò “Trét kim tuyến” mà chỉ tới ngày 20/11 mới chơi. Mỗi lần đi dự lễ 20/11 về là đều bị mẹ la, vì mặt với tóc đầy kim tuyến. Dù rất “ám ảnh” nhưng tôi cũng tham gia rất nhiệt tình khi một bầy “hội đồng” 1 đứa.
Lên cấp 2 bắt đầu lớn hơn một chút. Và lúc đó cũng mong tới ngày 20/11 hơn nhưng mục đích là để được nghỉ học và đi chơi với cả lớp. Vẫn là ngày mà trường tổ chức lễ, học sinh “tặng quà” nhưng ở tuổi này đa số là tặng bông hồng cho giáo viên. Người ta bán bông đầy hai bên đường. Học sinh tiện ghé mua một cành dành tặng Thầy/Cô nhằm tri ân mình những công lao, khó nhọc của những người lái đò. Đến năm học lớp 8, Cô chủ nhiệm khi họp phụ huynh đầu năm, Cô đã thông báo với phụ huynh là Cô không nhận bất cứ quà gì từ phụ huynh cũng như học sinh, và trước ngày lễ Cô dặn lớp rằng “Ngày 20/11 đi dự lễ, đi 2 bàn tay trắng giùm Cô, đứa nào cầm bông hay cầm quà mà tặng cho Cô thì đừng hỏi vì sao ăn Zero”. Và đó chính là lần đầu tiên, cả lớp phải suy nghĩ “Nếu Cô không nhận quà, thì phải làm gì để cảm ơn Cô đây?”. Và cả lớp thống nhất với nhau là tháng đó lớp sẽ cố gắng học, không quậy phá để được cờ luân lưu ngoan nhất khối 8, xem như là quà tặng Cô 20/11. Và lớp đã tặng được “món quà” như ý cho Cô, đó là “kì tích” với một lớp “cá biệt” như lớp tôi. Khỏi phải nói hôm đó Cô vui và bất ngờ đến mức nào. Và cũng chính lúc đó, tự bản thân tôi mới cảm nhận được ý nghĩa của ngày 20/11, ý nghĩa của “món quà” thật sự để tri ân Thầy/Cô.
Đôi khi, không phải cứ tặng quà vật chất là cách để tri ân hay làm Thầy/Cô vui mà chỉ cần bạn thể hiện tấm lòng của mình bằng cách cố gắng học, đạt được thành tích tốt là Thầy/Cô yên lòng rồi.
Trong cuộc đời chúng ta có nhiều bước ngoặt để tiến tới thành công và trong những bước ngoặt ấy đã gắn liền với những người làm đòn bẩy giúp cho sự thành công được tiếp nối nhanh hơn. Có người nói rằng ấy là mẹ tôi, là cha tôi, là bạn bè tôi, nhưng đối với tôi có một người đã xuất hiện gieo mầm ước mơ để tôi có thể tự tin bước vào bước ngoặt quan trọng trước khi thi vào đại học ấy là thầy của tôi.
Tôi học lớp 12 và thầy tôi là giáo viên dạy toán, cũng là hiệu trưởng của trường. Dáng người cao ráo và bước đi nhanh nhẹn dù ở tuổi 50, bên trong thầy tôi nhìn thấy được lửa của nghề luôn đốt cháy. Tóc thầy hoa râm và đôi mắt đầy nỗi lo lắng vì các học trò. Thầy là người rất giản dị, khi đi dạy thầy chỉ mang duy nhất một cái cặp nhỏ và một cây viết vắt trên túi. Thầy lúc nào cũng đến lớp sớm 15 phút để nói chuyện với chúng tôi. Có lúc tôi và các bạn tự hỏi rằng thầy là hiệu trưởng của trường, có thể nghỉ ngơi tại vị trí của mình thì tại sao lại dạy thêm lớp của tôi để thêm nhiều nỗi lo lắng? Vì hiện tại, lớp của tôi là lớp tập trung tất cả những học sinh cá biệt (đánh nhau, cúp học...) và những học sinh ở lại lớp, học lực thật sự yếu, có gì đâu để thầy lao tâm khổ tứ, có cô đã không chịu nổi sự ngỗ ngược của lớp tôi và chỉ dạy để đủ thi tốt nghiệp mà thôi, hoặc nói rằng “theo tinh thần như thế này thì đậu tốt nghiệp là may rồi”. Nói thật là lớp tôi lúc ấy đã rất tệ và gần như nửa lớp muốn bỏ học vì suy nghĩ rằng mình không thể làm được gì và kết quả học tập bắt đầu giảm xuống.
Tiết thứ nhất, thầy đã xuất hiện và chúng tôi xem cũng giống như các thầy cô khác.
Lại xuất hiện thêm một người nữa lên lớp mình
Sẽ thay thầy mới thôi...
Nhưng khi kết thúc tiết học đầu tiên thầy đã khen rằng “Lớp này toàn tập trung những nhân tài của đất nước”. Tôi không thể hiểu được vì sao thầy lại nói như vậy trong khi chúng tôi chẳng có tài cáng gì.
Tiết học thứ 2, thầy cho bài tập, các bạn học tốt đã xung phong lên bảng và làm đúng, thầy khen các bạn ấy, cười và nói rằng “Thầy biết là khi vừa chép đề thì có bạn ở dưới đã ra kết quả rồi nhưng không muốn xung phong, phải không?” rồi nói tên các bạn ấy ra trong đó có một bạn nổi tiếng là hay cúp tiết và hay đánh bạn. Một nụ cười đầy tự hào đã nở trên khuôn mặt của bạn ấy cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ.
Tiết học thứ 3, thầy trả bài kiểm tra 15 phút. Cũng giống như thường lệ, 1 điểm, 2 điểm...Đố các bạn thông thường các thầy cô sẽ phản ứng thế nào?
Thầy nhìn xung quanh cả lớp, bình thường chúng tôi không có cảm giác gì khi thấp điểm nhưng hôm nay lại thấy buồn và xấu hổ quá chừng. Có lẽ vì thầy đã đặt niềm tin vào chúng tôi quá nhiều, có lẽ...có lẽ...
Thầy nhìn chúng tôi và hỏi rằng: Có biết vì sao bị điểm kém không?
“Vì em học không tốt, vì không thông minh....” cứ chạy trong đầu tôi cùng sự yên lặng muốn nghẹt thở.
Thầy nở nụ cười đầy nhân từ và nói: Các em rất thông minh vì khi đọc đề thì đã biết cách làm nhưng vì làm bài không cẩn thận nên bị sai dấu nhiều. Thầy phạt làm 20 bài toán và lần sau kiểm tra lại”. “ HÃY NHỚ, HỌC ĐỂ BIẾT, HỌC ĐỂ LÀM, HỌC ĐỂ CHUNG SỐNG, HỌC ĐỂ KHẲNG ĐỊNH MÌNH”
Đã có tiếng hô, tiếng vỗ tay và lời cảm ơn thầy thật hạnh phúc. Thầy biết điểm mạnh của chúng tôi, thầy biết giá trị của chúng tôi và cố gắng hết sức để ươm mầm cho những điều ấy thành tương lai của chúng tôi. Những chân trời mới đã được mở ra với bao hoài bão và kỳ vọng cho những con chim non đang mất phương hướng. Thầy đã cùng đi với chúng tôi một cách mạnh mẽ như người lái đò chở những sĩ tử qua sông mặc cho mưa gió bão bùng, dù có phải hao tâm tổn sức như thế nào đi nữa, chỉ cần cầm chắc bánh lái sẽ đến bến tương lai an toàn. Chúng tôi đã bị bắt phục hoàn toàn bởi tấm lòng và sự nhân từ của thầy.
Mỗi buổi học không phải chúng tôi được học tri thức thôi mà học cách làm người, học chung sống và học cống hiến. Chúng tôi không sống vì lợi ích của mình mà vì lợi ích của người khác.
Học kỳ ấy tất cả các thầy cô đã rất ngạc nhiên vì không một ai bị xếp loại yếu. Các điểm 8, 9, 10 bắt đầu xuất hiện trong lớp cá biệt. Xuất hiện các học sinh giỏi, học sinh khá và nhận học bổng.
Tốt nghiệp cuối năm 99% và là lớp tốt nghiệp cao đẳng cao và đại học.
Cảm ơn thầy vì thời khắc ấy đã trao cho tôi niềm tin và trao cho dũng khí để tôi có thể vụt dậy từ trong vỏ ốc tối tăm ra nơi sự sáng của tương lai chờ đợi.
Hiện giờ đang bước đi trên giảng đường đại học tôi sẽ mang theo tấm lòng và ước mong của thầy, sẽ luôn có bóng dáng và lời nói của thầy đồng hành cùng tôi. Tôi sẽ không quên thầy và sẽ sống thật xứng đáng với những gì thầy đã kỳ vọng nơi tôi.
Với chúng ta, không ai chưa trải qua tuổi học trò cả, chẳng phải vậy sao? Có thể xem khoảng thời gian cắp sách đến trường là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của mỗi người. Nhớ lại khi ấy tôi cũng thật đã lắm chiêu trò thay, đã gây ra không ít điều phiền phức, nhưng cũng thật đáng nhớ.
Tôi nhớ vào năm học lớp 12, là năm cuối cấp, cũng là năm mà bạn bè sắp phải xa nhau sau khi đã được gắn bó cùng nhau trong suốt bao nhiêu năm chung học. Thật lòng chẳng đứa nào muốn nghĩ về điều đó cả, nhưng đó lại là điều không thể tránh được, giống như câu rằng: trên thế gian này không có cuộc gặp gỡ nào không chia ly, và không có cuộc vui nào không kết thúc cả. Buồn thì đã sao, cũng phải chấp nhận chứ. Rồi chúng tôi tìm kiếm cách gì đó để có thể lưu lại những kỷ niệm của nhau. Cuối cùng, chúng tôi chọn cách viết nên những trang lưu bút ngày xanh. Chúng tôi chuyền cho nhau, hầu như đứa nào cũng có cho mình một cuốn, và tôi cũng vậy. Chúng tôi nói về nhau bằng tình cảm chân thật nhất của mình, và cũng hiểu về nhau nhiều hơn. Nhờ những trang lưu bút tuổi thơ ấy đã giúp tôi có thời gian nhìn nhận lại bản thân mình. Ôi! Vậy là từ bấy lâu nay trong tấm lòng của các bạn tôi đã là như vậy, kể cả khuyết điểm, kể cả ưu điểm cũng trở nên thật đáng yêu trong ngôn từ của các bạn dành cho tôi. Bây giờ, nhiều khi đọc lại cũng vẫn còn cảm thấy đáng yêu làm sao, và cũng thật đáng phải cảm ơn nhiều tuổi học trò ấy.
Trong tuổi học trò ấy, và trong khoảng thời gian phải chuẩn bị xa nhau ấy, có một người bạn đã luôn đồng hành cùng tôi trong tất thảy mọi việc. Bạn ấy tên Mỹ. Bạn có gương mặt tròn thật dễ thương, giọng nói trong và ấm. Chúng tôi ăn cùng nhau, đi cùng nhau, bênh vực nhau, đến nỗi cứ như là một thể với nhau vậy. Bây giờ, bạn ấy đã có gia đình, còn tôi thì đi xa quê để tìm kiếm tương lai thật sự thuộc về tôi. Mỗi chúng tôi đã đi trên con đường khác nhau. Phải, dù đã thân thiết đến bao nhiêu thì thế gian này cũng là sự tồn tại phải chọn lựa và bước đi trên mỗi con đường của riêng mỗi chúng tôi.
Tuy nhiên cũng đã thật hạnh phúc khi được gặp gỡ cùng nhau trong tuổi học trò của cuộc đời này. Và mỗi chúng tôi vẫn đang tiếp tục cho cuộc hành trình đến với vùng đất tương lai hạnh phúc của riêng mình, trong khi gìn giữ những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ một thời của nhau.
Tôi đã từng nói rằng, tôi không hề hối tiếc về con đường mà tôi đã từng chọn. Ấy là việc tôi thi tuyển vào ngành sư phạm, và đã được giảng dạy bởi một người thầy đầy tâm huyết.
Thầy tên là Phước Như, cũng là một họa sĩ chuyên về tranh lụa ở Cà mau. Thầy đã được nhận nhiều giải thưởng từ Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam. Dù trong sự bỡ ngỡ thật nhiều, nhưng sự tận tình ngay từ ban đầu của thầy đã làm cho cô học trò nghiêm nghị và nhút nhát như tôi cũng cảm thấy an tâm và vui thích.
Tôi vốn không hề nghĩ một ngày nào đó tôi lại thành một giáo viên, bởi từ bé tôi đã ao ước và mơ rằng tương lai mình sẽ là một biên kịch giỏi. Thật như câu, không ai biết trước được tương lai…tôi học ngành sư phạm. Thế rồi điều kỳ diệu cũng diễn ra trong cuộc đời tôi, thông qua Thầy. Tôi dần trở nên yêu thích mỗi khi cầm cọ vẽ, bởi tôi học chuyên ngành mỹ thuật.
Tôi còn nhớ, ban đầu, tôi đã không trang trí được, tôi đã rất lo lắng cho bài kiểm tra kết thúc học phần của mình. Về nhà tôi đã tập luyện thật nhiều với tấm lòng rằng, Thầy Như chấm bài này. Rồi cũng đến lúc kiểm tra,tôi trang trí thế nào thì bản thân tôi cũng đã không cảm thấy hài lòng, ấy vậy mà, bài lại đạt kết quả khá cao. Thầy đã khích lệ tôi thật nhiều, thông qua thầy tôi cũng được uốn nắn và trưởng thành hơn thật nhiều, đồng thời yêu thích ngay cả lĩnh vực tôi chưa từng nghĩ đến.
Tuy nhiên thầy cho tôi biết rằng sự nỗ lực của tôi suốt thời gian qua là điều không thể thiếu cho kết quả mà tôi đã được. Thật nếu tôi không cố gắng thì bài thi học phần đầu tiên ấy sẽ ra sao? Không tự nhiên mà tốt được đâu. Và điều quan trọng là hãy trân trọng cái ở bên cạnh và nỗ lực vì điều đó thay vì đi tìm kiếm cái vốn không dành cho mình.
Và giờ đây tôi nhận ra rằng, những gì mà tôi được nhận thông qua thầy mà tạo hóa đã ban cho tôi chính là những hành trang vô cùng quan trọng trong đoạn đường đời còn lại của tôi.
Con xin cảm ơn thầy, người thầy tận tâm của chúng con!
“Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa
Từng ngày, giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy”
Câu hát du dương bất chợt vang lên làm tôi xao xuyến nhớ về những kỉ niệm xưa cũ. Hình bóng người mẹ và ngôi nhà thứ hai thân thương bỗng chợt ùa về trong tâm trí tôi, bất giác tôi rùng mình. À thì ra chỉ là giấc mơ thôi nhưng sao nó thật đến thế. Trải qua hơn mười mấy năm rồi nhưng mọi thứ vẫn như thế, vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi hình bóng của cô – giáo viên chủ nhiệm lớp một của tôi năm nào.
Đối với một đứa trẻ con, ngày đầu tiên vào lớp một là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của nó. Tôi cũng không ngoại lệ, nhưng đặc biệt khoảng thời gian đó tôi không hề khóc, đó là khác biệt nhất giữa tôi và đám trẻ con đồng môn, nhưng trong lòng vẫn không thoát khỏi cảm giác sợ hãi. Người ta thường nói rằng trẻ em là những sinh vật nhạy cảm nhất, nếu bạn đối xử với nó theo một cách đặc biệt, thì nó cũng sẽ nhớ bạn theo một cách không thể không đặc biệt hơn. Quả không ngoa khi đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm nhận được tình yêu thương cô dành cho học trò của mình. Cô luôn biết cách dịu dàng và răn đe đúng lúc khiến cho lũ trẻ chúng tôi đôi khi phải co rúm lại vì sợ nhưng chắc chắn sau này chúng tôi không lặp lại lỗi sai đó nữa.
Nếu như Cha Mẹ mang đến cho mình những nhận thức, những điều hay lẽ phải trong cuộc đời thì có lẽ những người thầy, người cô là những con đò thầm lặng đưa chúng ta đến bến bờ kiến thức. Dù tháng năm có trôi đi, cô vẫn đứng đó, đứng trên bục giảng dõi theo bước các học trò của mình trên đường đời để thấy rằng những công lao dạy dỗ của mình không đổ sông đổ bể. Phượng đã nở đỏ rực khắp góc phố phường cũng là lúc đám học trò rời xa vòng tay thầy cô để đến với bến bờ tri thức, thực hiện ước mơ của mình và những ai trong chúng ta thực sự nhớ về những tháng ngày vất vả của thầy cô mình?
Nói đến hình ảnh thầy cô, chúng ta thường hay nghĩ về hình ảnh mái trường xưa và phần nào quên mất đi những người thầy, người cô truyền kĩ năng nghề nghiệp cho mình cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân chúng ta. Thầy cô đã luôn như người lái đò không mệt mỏi đưa từng lớp trẻ đến bến bờ của tri thức.Trong những chuyến đò ấy làm sao ta quên được hình ảnh người lái đò tận tụy, dù mưa hay nắng vẫn lặng lẽ đưa những chuyến đò qua sông và có bao nhiêu vị khách trên chuyến đò ấy nhớ về hình ảnh người lái đò năm xưa? Dù dòng chảy thời gian có làm thay đổi mọi thứ, làm cho tóc thầy cô thêm phai màu thì hình ảnh người lái đò cần mẫn vẫn là hình ảnh đẹp nhất và đã vô tình gắn với hình dáng thầy cô. Từ đó trở thành một biểu tượng lung linh hòa vào dòng chảy các con sông vươn mình ra biển lớn, trở thành một tượng đài bất khuất về đức tính hi sinh, thầm lặng.
Bao lâu rồi bạn chưa về thăm người lái đò của mình? Nếu ai vẫn còn nhận được cái ân huệ thiêng liêng này thì hãy biết nắm giữ khi còn có thể. Đừng để mất đi rồi, mới ngồi bồi hồi luyến tiếc thì mọi cố gắng sẽ trở nên vô nghĩa. Dù năm tháng có trôi đi, bụi phấn trên mái đầu ngày càng nhiều, thì thầy cô vẫn đứng đó, đứng chờ những đứa con thân yêu trưởng thành và nên người. Bình dị thế thôi nhưng đã trở thành nét đẹp muôn đời mà chúng ta mãi tri ân, tôn kính và nét đẹp ấy trở thành bất biến trong cuộc đời chúng ta, trở thành chân lý, đạo lý làm người chân chính.